Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 04) tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện trong quý I và bàn nhiệm vụ, giải pháp các tháng còn lại của năm 2021. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 chủ trì hội nghị.



Thông tin tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong quý I/2021, TP đã có thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn TP Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận NTM .Cũng trong quý I, thành phố đã thẩm định công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 368/382 xã (chiếm 96,3%) và 29 xã NTM nâng cao. Còn lại 14 xã (5 xã của huyện Mỹ Đức, 9 xã của huyện Ba Vì) đều đạt từ 15-18 tiêu chí.

Đối với công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, thành phố duy trì ổn định các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Đến hết quý I, thành phố có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, đã xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Công tác chăm lo đời sống cho người dân được duy trì, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức) không còn hộ nghèo.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU trong quý I-2021 còn một số khó khăn, như: Trung ương chưa ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo mức độ (nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương căn cứ thực hiện; nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội chưa nhiều; tình trạng nông dân bỏ ruộng, không sản xuất nông nghiệp vẫn còn và có chiều hướng gia tăng; thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Tư tưởng của một số huyện, xã đã về đích nông thôn mới bằng lòng với kết quả đạt được, chưa nỗ lực, cố gắng đạt mục tiêu cao hơn. Bên cạnh đó, chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, chưa có mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn...

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị sớm ban hành kế hoạch của Ban Chỉ đạo thành phố; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các sở, ngành bảo đảm phù hợp đặc điểm từng địa phương. Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ bảo đảm tiến độ các đề án, kế hoạch đề ra. Trong đó, lưu ý đến chỉ tiêu 70% giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chỉ tiêu về vùng sản xuất tập trung; trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm 400 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm từ 3 sao trở lên; chủ động xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình của thành phố về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó xác định ngành hoa, cây cảnh là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế và xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập. Phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Đối với các huyện, thị xã, trên cơ sở kế hoạch của thành phố, cần rà soát lại các nhiệm vụ, nhất là đối với 5 huyện chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới để tập trung hoàn thành. Với các huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cần rà soát các tiêu chí để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.

Nguyễn Vàn