Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội chủ động trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa sự cố thiên tai

Năm 2020, thiên tai đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống nhân dân cả nước, ước tính trên 39.962 tỉ đồng, làm 357 người chết và mất tích. Với sự chỉ đạo của Trung ương, Thành uỷ, UBND TP, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TP. Hà Nội đã có nhiều chủ trương và giải pháp hữu hiệu, cùng với vai trò tích cực của cấp uỷ, chính quyền, các ngành, MTTQ, đoàn thể cùng nhân dân thủ đô công tác phòng chống thiên tai đã đạt được những kết quả quan trọng.



Hà Nội là thành phố có địa bàn rộng, địa hình đa dạng, phức tạp, nhiều hệ thống sông ngòi, hồ đập. Nơi có 7 con sông chảy qua địa bàn của 26 quận, huyện, thị xã; 224 xã, phường, thị trấn ven đê. Theo phân cấp đê, thành phố Hà Nội hiện có 626,513km được phân cấp, trong đó: 37,709km đê cấp đặc biệt; 249,578km đê cấp I; 45,004km đê cấp II; 72,165km đê cấp III; 160,016km đê cấp IV; 62,041km đê cấp V cùng 41 tuyến đê bao với chiều dài 132,84km, 161 tuyến kè với chiều dài 195,707 km và hệ thống những công trình đê điều, thuỷ lợi.

Tại Hà Nội, năm 2020, chịu ảnh hưởng trực tiếp của 03 cơn bão và hoàn lưu sau bão (số 2, số 4 và số 7). Tổng lượng mưa dao động từ 1444,2 – 1863,8mm, cao hơn giá trị trung bình nhiều năm từ 25,6 - 241,7mm. Năm vừa qua, lũ xuất hiện muộn, trong tháng 10, các hồ chứa thượng lưu liên tục phải điều tiết lũ. Qua kiểm tra, đánh giá và quá trình theo dõi, quản lý cũng như thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa lũ trên các tuyến đê thành phố Hà Nội, xác định còn 04 trọng điểm và 12 điểm xung yếu cần được tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng xử lý nếu có tình huống bất lợi xảy ra.

Ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND Thành phố Hà Nội và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thành phố đã ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố triển khai các biện pháp ứng phó trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Xác định rõ ý nghĩa của việc đảm bảo an toàn đê điều, công trình thủy lợi trong công tác phòng chống thiên tai, thời gian qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Theo đó, hàng năm Ban chỉ huy đã chủ động phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới người dân với nhiều hình thức và nội dung. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng: Tổ chức trên 50 lớp tập huấn và 18 điểm diễn tập tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới các xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố với sự tham gia của hàng nghìn người.

Song song với đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã thực hiện tốt việc tổ chức diễn tập nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các cuộc diễn tập đã đạt được mục đích đề ra, đó là: nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và tăng cường tính chủ động trong công tác PCTT&TKCN; nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; nâng cao kỹ năng ứng phó, giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra khi có sự cố do mưa, bão, lũ gây ra và nâng cao tính cơ động, phản ứng nhanh trong việc huy động lực lượng xung kích tại chỗ.

Vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” được chuẩn bị đầy đủ trước đầu mùa mưa, lũ. Ban chỉ huy Thành phố đã tổ chức kiểm kê vật tư dự trữ tại các điểm, kho bãi vật tư trên các tuyến đê thuộc Thành phố quản lý, qua đó xác định số lượng, chất lượng vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, mua bổ sung vật tư dự trữ. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các sở, ngành Thành phố đã chuẩn bị, rà soát đầy đủ các điều kiện cần thiết cả về số lượng và chất lượng để triển khai các phương án, kế hoạch; đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Việc xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở đã được thực hiện có hiệu quả. 30/30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai năm 2020 và thành lập đội xung kích PCTT tại cơ sở với sự tham gia của 49.414 người; nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và lực lượng khác.

Đối với cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, trong năm qua, Trung ương và Thành phố tiếp tục quan tâm bố trí nguồn ngân sách để thực hiện các hạng mục đầu tư, xây dựng, tu bổ đê điều, kịp thời khắc phục các sự cố, hư hỏng công trình, chống sạt lở bờ, bãi sông, qua đó, đã cơ bản xử lý được một số trọng điểm xung yếu đê điều, công trình thủy lợi, ngoài nhiệm vụ chống lũ còn phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình thiên tai, sự cố diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam; trên địa bàn Thành phố, công tác chuẩn bị để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai đã góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn đời sống, sản xuất của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra trên khắp các vùng miền trong cả nước. Vì vậy, công tác PCTT luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi cá nhân. Với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, tin tưởng rằng, năm 2021, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, bảo vệ mùa màng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng thủ đô Hà Nội./.

Lưu Phượng