Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm dịp cuối năm 2020

Thành phố Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm luôn đứng tốp đầu cả nước, đàn trâu, bò 158 ngàn con; đàn gia cầm 37, 7 triệu con (trong đó đàn gà 25 triệu; vịt gần 11 triệu; ngan, ngỗng  khoảng 1,2 triệu con); Đàn chó, mèo 457 ngàn con; Đàn lợn đến thời điểm hiện tại khoảng 1,4 triệu con (lợn nái khoảng 154 ngàn con, đực giống khoảng 2 ngàn con); Đàn dê khoảng 14 ngàn con; đàn chim cút 6 triệu con.



Từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn Thành phố, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra nhỏ lẻ, chỉ xảy ra các bệnh thông thường (như Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi...). Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), từ đầu năm 2020 đến nay không xảy ra dịch lớn song vẫn lẻ tẻ xảy ra ở một số huyện (Chương Mỹ, Đông Anh, Phú Xuyên, Thanh Oai ..) khó khống chế triệt để do bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, tổng số lợn tiêu hủy là 287 con, trọng lượng trên 18 tấn. Dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra ở một số huyện (Chương Mỹ, Ứng Hòa…) với tổng số gia cầm tiêu hủy là 3.091 con.

Thời điểm này, nhất là từ nay đến cuối năm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao do tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao. Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Thành phố đang tập trung tái đàn, tăng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường tăng cao vào dịp cuối năm. Thời tiết thay đổi, khí hậu diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán rộng. Hơn nữa việc vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.  Chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hà Nội còn chiếm tới 60% nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm (như DTLCP, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh …). Chưa kể, Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ thủ công trong khu dân cư rất khó kiểm soát. Một số chợ đầu mối như Chợ Hà Vĩ (Thường Tín) hàng ngày tiêu thụ khoảng 40 – 50 tấn gia cầm sống từ khắp các tỉnh đổ về, chợ đầu mối Bắc Thăng Long, cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì), Minh Hiền (Thanh Oai), Tốt Động, Hồng Phong, Chúc Sơn (Chương Mỹ) bình quân khoảng trên 2.000 con lợn từ các tỉnh đưa về giết mổ. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh rất cao từ các nơi về cũng như trong môi trường trên địa bàn Thành phố. 

Từ thực tế trên Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trong dịp cuối năm. Cụ thể:

Về công tác tuyên truyền: Phối hợp cùng các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và chính sách, quy định của Nhà nước theo đúng quy định hiện hành. Nội dung đi sâu về các giải pháp phòng để người dân, người chăn nuôi chủ động thực hiện ngay từ cơ sở, trang trại chăn nuôi. Giúp cho người chăn nuôi có tư duy đã chăn nuôi phải cùng cộng đồng thực hiện những biện pháp cụ thể về chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt việc tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động, định kỳ khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường xung quanh, ngăn chăn mầm bệnh. Thực hiện tốt việc khai báo điều kiện chăn nuôi, khai báo dịch bệnh nếu phát hiện gia súc, gia cầm không bình thường. Các biện pháp ứng phó khi có dịch xảy ra, không để lây lan trên diện rộng. Đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng liên kết chuỗi trong chăn nuôi, xây dựng cơ sở an toàn dịch để đảm bảo xuất, nhập gia súc, gia cầm an toàn.

Về  giám sát dịch bệnh: Giải pháp quan trọng để xử lý ngay các ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành dịch lớn. Hiện tại Hà Nội vẫn giữ nguyên hệ thống thú y cơ sở (thú y xã, phường, thôn, bản) nên có nhiều thuận lợi trong việc giám sát dịch bệnh hàng ngày ngay từ cơ sở, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Từ đầu năm đến nay hệ thống này đã phát huy tốt vai trò, kịp thời phát hiện và xử lý ngay không để bùng phát thành dịch lớn nhất là các bệnh dịch nguy hiểm (như Cúm gia cầm, DTLCP, Dại, LMLM …). Bên cạnh đó hệ thống này đang thực thi tốt các nghiệp vụ chuyên môn về tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, giám sát những bất thường trên đàn gia súc, gia cầm. Từ đây một số ổ dịch xảy ra (Cúm gia cầm, DTLCP …) đã kịp thời được ngăn chặn, khống chế không để lây lan trên diện rộng.

Chủ động tiêm phòng các loại vắc xin: Để tạo miễn dịch cho đàn vật nuôi, thời gian qua toàn hệ thống thú y cơ sở đã triển khai tốt việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Đã tổ chức tiêm phòng đợt đại trà trong tháng 9/2020, kết quả đạt cao, trên 90% đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng đã được tiêm phòng, sau tiêm phòng đại trà là tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới nhập đàn, gia súc chưa đến tuổi tiêm phòng. Một số loại vắc xin đã được tiêm phòng (Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Dại,  Tai xanh …). Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, đến nay ngành Thú y đã chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành cũng thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh, tuýp vi rút đang lưu hành trên địa bàn và đánh giá nguy cơ lây nhiễm các tuýp vi rút để xây dựng kế hoạch tiêm phòng, lựa chọn vắc xin phù hợp tại các địa phương.

Tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn thành phố: Đến nay thành phố đã thực hiện đợt tổng tẩy uế môi trường đợt 3 với tổng diện tích tiêu độc khoảng 325 triệu m2. Tập trung tiêu độc ở các khu có nguy cơ lây nhiễm cao, ổ dịch cũ, các chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, trong đó sử dụng cả hóa chất diệt ruồi để tránh lây nhiễm mầm bệnh qua côn trùng. Đối với các trang trại chăn nuôi, tuyên truyền để các hộ chăn nuôi cùng vào cuộc, vệ sinh tiêu độc khử trùng từ trong chuồng nuôi ra ngoài môi trường trong cùng một thời gian để tạo sự đồng bộ. Từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục thực hiện khoảng 02 đợt tiêu độc môi trường toàn thành phố đồng thời làm tốt hơn công tác tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc nhất là đối với các trang trại, hộ chăn nuôi. Tạo sự đồng bộ là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn mầm bệnh trên diện rộng. 

Về quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm: Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn Thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào Thành phố. Duy trì hoạt động 05 chốt kiểm dịch nhập gia súc, gia cầm vào thành phố, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm. Đặc biệt tại các cơ sở giết mổ (Vạn Phúc, Hải Bối, Minh Hiền) hàng ngày có khoảng 2- 3 nghìn con lợn, 40 – 50 nghìn con gia cầm nhập vào địa bàn. Cán bộ chuyên môn đảm bảo xử lý nghiêm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về yêu cầu vệ sinh thú y trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra:. Hiện tại trên địa bàn Thành phố có 1.127 cơ sở kinh doanh, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc Thú y, trong đó 31 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp và bổ sung, 1096 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, có 662 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Các cơ sở này sẽ được kiểm tra về điều kiện kinh doanh nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.

Tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh: Một trong những giải pháp bên vững lâu dài trong công tác phòng chống dịch bệnh. Lợi ích của việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm tạo môi trường tốt nhất để tránh nhiễm bệnh, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi dịch bệnh xảy ra, việc xuất nhập gia súc, gia cầm tại các cơ sở an toàn dịch được thuận lợi. Hơn nữa tạo sự liên kết chuỗi tiêu thụ thuận lợi, phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Đến nay thành phố đã xây dựng được 46 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh (04 cơ sở chăn nuôi bò, 27 cơ sở chăn nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 01 cơ sở chăn nuôi dê), các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh luôn được quản lý theo dõi và giám sát dịch bệnh có hiệu quả.

Về xây dựng vùng an toàn bệnh Dại, đến nay thành phố đã có 03 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm) được công nhận vùng an toàn bệnh Dại. Theo kế hoạch của Thành phố năm 2021 các quận khác sẽ thực hiện xong để đảm bảo việc phòng chống bệnh Dại trên địa bàn Thành phố ngày càng hiệu quả./.

Nguyễn Ngọc Sơn