Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: 6,41 tỷ đồng hỗ trợ phát triển vùng nuôi trồng thủy sản

Chi cục Thủy sản Hà Nội vừa đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND thành phố về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.



Theo đó, triển khai thực hiện các chính sách phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung tại Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND thành phố, trong năm 2014, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh cho một số vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), cụ thể: Diện tích NTTS được hỗ trợ là 388ha; lượng thuốc, chế phẩm sinh học (CPSH) hỗ trợ là 5.173 lít thuốc sát trùng VINADIN 600 và 10.476kg chế phẩm sinh học ENZYM BIOSUB xử lý môi trường nước. Địa điểm thực hiện tại các huyện Mê Linh 38ha, Ứng Hòa 120ha, Thanh Oai 100ha, Phú Xuyên 70ha và Chương Mỹ 60ha. Số hộ gia đình được hỗ trợ là 271 hộ. Kinh phí thực hiện là 6,41 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua hóa chất, chế phẩm sinh học là hơn 6,35 tỷ đồng, chi khác gần 60 triệu đồng.

Từ năm 2015 - 2017, nội dung hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh cho một số vùng NTTS trên địa bàn Hà Nội được giao cho cấp huyện triển khai, do đó Chi cục Thủy sản Hà Nội không thực hiện nhiệm vụ này nữa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trên còn một số tồn tại như: Việc phòng chống dịch bệnh chưa được toàn diện, dịch bệnh dễ lây lan và khó khăn trong công tác quản lý. Nguyên nhân: Kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, diện tích được hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học năm 2014 rất nhỏ (xấp xỉ 2%) so với tổng diện tích đưa vào NTTS trên toàn thành phố.

Mạng lưới các cộng tác viên trong lĩnh vực thủy sản chưa có hệ thống, phương thức hoạt động mang tính nghiệp dư. Do vậy, việc nắm bắt các thông tin và triển khai việc thông báo cảnh báo cho người nuôi về môi trường, bệnh dịch và các thông tin khác còn chậm. Các thú y viên tại các xã phần lớn là kiêm nhiệm nên việc phát hiện các vấn đề bệnh dịch còn chưa được kịp thời.

Bên cạnh đó, từ năm 2015 việc hỗ trợ hóa chất, CPSH xử lý môi trường nuôi thủy sản giao trực tiếp cho các huyện nên công tác phòng chống dịch bệnh không được tiến hành đồng nhất về thời gian và phương thức triển khai của các huyện còn lúng túng, triển khai chậm. Lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn về thủy sản từ địa phương rất mỏng (chỉ có 5 huyện có cán bộ thủy sản); địa bàn Hà Nội rộng nên công tác thông tin và liên hệ trực tiếp hộ nuôi để xử lý khi có dịch bệnh xảy ra gặp khó khăn.../.

TT (Nguồn CGTĐT Hà Nội)