Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, toàn thành phố đã huy động được 56.512,8 tỷ đồng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.
Đến nay, thành phố đã có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm) được công nhận đạt chuẩn NTM. Thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng Trung ương thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Các huyện Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương, đến nay huyện Thạch Thất, Thường Tín đã được Đoàn thẩm định Trung ương tiến hành thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Huyện Thanh Oai đã được Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia thành phố Hà Nội bỏ phiếu đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được Đoàn thẩm tra thành phố thẩm tra đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia thành phố Hà Nội bỏ phiếu xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.
Đến nay, toàn thành phố có 355/382 xã, chiếm 92,9% được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 371/386 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 96,1% (đã sáp nhập còn 368/382 xã); 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí/xã đạt 18,82 tiêu chí.
Kết quả xây dựng NTM đã giúp đời sống nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm (đến hết năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm). Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng, Đông Anh 60 triệu đồng, Hoài Đức 55 triệu đồng, Đan Phượng 53,8 triệu đồng. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 88,3%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.
Tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của thành phố đã giảm từ 1,81% xuống còn 0,69% (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội). Có 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức không còn hộ nghèo. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Thanh Trì: 0,99%, Thạch Thất, Quốc Oai: 0,22%... Thành phố phấn đấu đến hết năm 2020, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Gắn với xây dựng NTM, đến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thừa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tăng 2.562,6ha so với cuối năm 2015. Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa là 1.836,9ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới. Cũng từ dồn điền đổi thửa, đến nay, toàn thành phố chuyển đổi được 40.229,4ha sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thành phố cũng có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cũng gắn với xây dựng NTM, năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đã tiến hành 2 đợt đánh giá, phân hạng với 301 sản phẩm. Kết quả, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao; đạt 100,3% kế hoạch năm 2019. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Thành phố đánh giá phân hạng được 1.000 sản phẩm OCOP./.
Theo Cổng GTĐT Hà Nội