Ngay từ đầu năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, 18 huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp để tổ chức triển khai.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, để triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, địa phương đã xây dựng và ban hành chương trình hành động cụ thể, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của huyện. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo theo địa bàn và tiêu chí. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức giao ban trực tyến để nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, từ đó kịp thời giải quyết.
Kết quả đến nay, 16/16 xã của huyện Mê Linh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện Mê Linh cũng đã đủ điều kiện về đích huyện NTM năm 2021. Cùng với huyện Mê Linh, việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy tại 18 huyện, thị xã của thành phố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn bộ 382/382 xã của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Hà Nội là địa phương có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM lớn nhất của cả nước.
Bên cạnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở đơn vị hành chính cấp xã, đến cuối năm 2021, Hà Nội cũng đã có thêm 4 huyện đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét, trình Hội đồng Thẩm định Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM. Cụ thể là các huyện: Phú Xuyên, Mê Linh, Chương Mỹ và Ứng Hòa. Trước đó, 11 huyện và thị xã Sơn Tây của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.
Bên cạnh kết quả xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội năm 2021 tiếp tục phát triển tương đối ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao được duy trì, mang lại giá trị vượt trội. Điển hình như vùng canh tác lúa chất lượng cao tại Phú Xuyên, Sóc Sơn; vùng cây ăn quả ở Thanh Oai, Chương Mỹ; vùng trồng hoa, cây cảnh ở Mê Linh, Đan Phượng; vùng rau an toàn tại Hoài Đức, Thường Tín…
Đến cuối năm 2021, toàn thành phố đã hình thành được 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 141 chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại và làng nghề cũng có sự tăng trưởng khá, đã và đang thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng hàng hóa, giá trị cao và bền vững.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, kinh tế nông thôn phát triển góp phần tích cực vào việc cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân trên địa bàn Thủ đô. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2021 đã đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm.
Một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao vượt trội như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng… Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến nay, hơn 90% người dân khu vực nông thôn đã tham gia đóng bảo hiểm y tế. 100% các xã trên địa bàn thành phố được kết nối internet; hầu hết hộ gia đình có điện thoại để sử dụng. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội giảm còn khoảng 0,3%; trong đó có 4 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, cùng với việc tổng số đơn vị hành chính cấp xã cần thực hiện xây dựng NTM lớn nhất cả nước, kết quả mà Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đạt được trong năm 2021 là rất đáng khích lệ. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố cụ thể hóa mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM ở 100% số đơn vị hành chính cấp huyện vào năm 2022.
Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều tiêu chí xây dựng NTM hiện nay còn thiếu bền vững. Điển hình là: Tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm… Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật ở khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế…
“Trong năm 2022, bên cạnh duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM tại các huyện, thị xã và 382 xã đã về đích, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo hai huyện Mỹ Đức và Ba Vì xây dựng kế hoạch cụ thể; tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội; phấn đấu đưa hai địa phương này hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…” - ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm.
Sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Hà Nội sẽ tập trung cho giai đoạn xây dựng NTM nâng cao tại các xã. Đối với nhiệm vụ này, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương tập trung huy động nguồn lực, thực hiện việc nâng cấp các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao có trọng tâm, tránh dàn trải; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiệm cận các tiêu chí phát triển đô thị.
Nhấn mạnh vai trò trụ đỡ của nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất. Khuyến khích bà con mở rộng diện tích canh tác cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày. Tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt động khu vực kinh tế tập thể. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Đồng thời, chú trọng hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, phấn đấu tiếp tục nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn./.
NT (Theo KTĐT)