Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Thạch Thất

Trong thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Thạch Hòa - Huyện Thạch Thất có nhiều bước phát triển, tác động tích cực đến đời sống của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng qua đó xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.



Cách trung tâm Hoà Lạc khoảng tầm 2km đi về phía Tây của huyện Thạch Thất hỏi ông Bùi Văn Chức, sinh năm 1957 (thôn 3, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất), thì ai cũng biết đây là hội viên nông sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Thạch Hòa. Ông là một điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp nhau vượt khó, làm giàu chính đáng ở địa phương.

Ông Chức cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng bán sơn địa, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trước đây gia đình sống chủ yếu bằng nghề chăn gà, thả cá, nhưng do quy hoạch khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia đã lấy đi phần lớn diện tích đất sản xuất của gia đình nên ông đã bàn bạc với gia đình chuyển hướng sản xuất mới.

Năm 2009, ông xin nhận khoán lại diện tích đất 5 ha của Trung Đoàn 916 thuộc địa bàn xã Thạch Hòa để phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kiến thức kỹ thuật, nhưng với ý nghĩ đi trước đón đầu trong sản xuất, ông bắt đầu tìm hiểu những cây, con mới, có giá trị kinh tế để trồng trong diện tích vườn của mình.

Ban đầu ông trồng khoảng 600 cây bưởi diễn, 100 gốc bưởi da xanh, 50 gốc bưởi đỏ Tân Lạc và 550 cây nhãn muộn Đại Thành. Với bản chất cần cù, chịu khó nên vườn cây ăn quả của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 3 năm, toàn bộ diện tích cây ăn quả trong vườn bắt đầu cho thu hoạch. Bưởi Diễn của gia đình ông thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, do khâu chăm sóc, tốt nên mẫu mã trái đẹp, chất lượng quả ngon nên hiệu quả những năm đầu thu hoạch rất tốt. Tuy nhiên sau thời gian số lượng trái cây bão hòa cộng với được mùa thì rớt giá nên khâu tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Ông lại một lần nữa tìm tòi, nghiên cứu tài liệu cũng như đi thăm quan, học tập kinh nghiệm của các nhà vườn để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm của người sản xuất áp dụng và vườn nhãn muộn. Với diện tích vườn nhãn ông điều chỉnh cho chín muộn hơn so với thời vụ sẽ được giá cao và dễ tiêu thụ. Sau nhiều lần thất bại, năm 2022, 2023, diện tích vườn nhãn muộn của gia đình ông cũng thành công. Nhãn chín sau ngày quốc khánh 2/9, với sản lượng khoảng 100kg/gốc nhãn, giá bán 25.000đ/kg; bưởi khoảng 100 quả/gốc, giá bán 10.000đ/quả. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận mang lại khoảng 800 - 1tỷ đồng/năm. 

Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện cho 3 lao động thường xuyên là con em hội viên nông dân nghèo ở địa phương với mức thu nhập 7 triệu đồng/ người/tháng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Ông Chức chia sẻ, do sản lượng trái cây nhiều nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Để thuận lợi trong khâu tiêu tiêu thụ sản phẩm mong muốn của ông là được tổ chức, cá nhân kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để sản phẩm đầu ra của gia đình ông được vươn xa ra ngoài thị trường.

Với những thành quả đã đạt được, hằng năm, ông được Hội nông dân xã đề nghị xét bình chọn là Nông dân điển hình tiên tiến của xã, của huyện.

Bằng sức lao động sáng tạo, ông Bùi Văn Chức xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Ông là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu chính đáng./.