Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An (huyện Thanh Oai) Đỗ Hùng Cường, cách đây khoảng 10 năm, Hợp tác xã đã trồng hơn 100ha cam Canh theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên đến nay, diện tích chuyển đổi này đã bị thu hẹp (hiện chỉ còn 20-30ha) do cây trồng lâu năm bị cằn, hỏng và sản phẩm không được giá cao như các năm trước.
Còn ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết, khoảng 7-8 năm nay, trang trại của gia đình ông đã nuôi lợn theo hướng VietGAP, nhưng tổng đàn chỉ duy trì ở mức 200 con; muốn mở rộng trang trại, tăng quy mô chăn nuôi thì gặp khó khăn bởi đầu ra sản phẩm thịt lợn an toàn chưa ổn định. Hiện mỗi ngày trang trại chỉ bán được cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích 1-2 tạ sản phẩm, còn lại vẫn phải tự tiêu thụ.
Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát nhận định, rất khó nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn bởi sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phần lớn quy mô hộ gia đình nên chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Mặt khác, trình độ canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản còn nhiều hạn chế và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp an toàn còn bấp bênh, người dân vẫn phải tiêu thụ sản phẩm qua thương lái...
Để góp phần nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như tạo điều kiện cho các ngành chức năng kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trên thị trường, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào đề xuất, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tham mưu với thành phố có thêm chính sách hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ nông sản; đặc biệt là đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp và hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết thêm, thời gian tới huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch như: Vùng chăn nuôi tập trung ở các xã Tân Ước, Liên Châu..; vùng trồng cây ăn quả ở các xã Kim An, Cao Viên, Thanh Mai...; vùng trồng rau an toàn ở các xã Kim An, Thanh Cao… Mặt khác, Thanh Oai sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội... Cùng với đó, huyện sẽ mời gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với các hợp tác xã thông qua việc ký kết hợp đồng.
Trên bình diện chung toàn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, cùng với việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, từ đó hình thành các vùng nuôi trồng tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Cùng với đó là huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là hệ thống kho dự trữ...
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… đến nông dân. Đồng thời, tăng cường thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, hộ gia đình với các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn tới tay người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu./.
NT (Theo Hà Nội mới)