Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gỡ khó cho cơ giới hóa sau thu hoạch

Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn ở miền Bắc với 182.982ha/năm, song việc cơ giới hóa khâu phơi thóc sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Do đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tích cực tìm kiếm các giải pháp gỡ khó cho khâu này, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.



 

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, hiện mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội chưa đồng đều ở các khâu. Cụ thể, cơ giới hóa trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất (chiếm trên 95% diện tích), khâu thu hoạch chiếm trên 85% diện tích, còn khâu phơi sấy đạt chưa tới 1% diện tích.

Ông Nguyễn Văn Son (thôn Nguyễn Xá, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) cho biết: "Do không có mặt bằng, nhiều nông dân trên địa bàn sau khi thu hoạch lúa vẫn phơi thóc trên đường nhựa, không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn không bảo đảm chất lượng gạo (hạt gạo bị gãy, hỏng)... Hoặc trong điều kiện thời tiết mưa bão kéo dài, sau thu hoạch, nông dân không phơi sấy ngay được, gây thất thoát, giảm chất lượng lúa gạo. Mong muốn lớn nhất của nông dân trồng lúa là được Nhà nước, đơn vị chức năng hỗ trợ khâu này”.

Trước thực trạng trên, mới đây, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thí điểm mô hình liên kết sản xuất chế biến lúa gạo đồng bộ tất cả các khâu tại Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa).

Bà Cao Thị Thủy - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết cho hay, phương pháp làm khô lúa bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời vừa tăng chi phí (do lao động nông thôn ngày càng khan hiếm, đắt đỏ), vừa không bảo đảm chất lượng lúa gạo (do thời gian phơi lâu, lúa khô không đồng đều, thường lẫn các tạp chất như đất, đá, sỏi, phân gia súc...) và không chủ động (vì phụ thuộc thời tiết như vụ mùa thu hoạch vào mùa mưa). Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Thủ đô, Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất và dây chuyền sấy, xay xát, đóng gói lúa gạo. Xưởng sấy, xay xát lúa gạo của Hợp tác xã vừa mới đưa vào hoạt động liên hoàn, công suất sấy 50 tấn lúa/ngày, đáp ứng việc sấy cho gần 1.000ha lúa trong vùng khi vào cao điểm thu hoạch và xay xát đạt 3 tấn gạo/ngày. Thời điểm này, xưởng sấy thuộc loại lớn nhất Hà Nội, là địa chỉ để nhiều nơi tham quan, tìm hiểu công nghệ sấy thóc sau thu hoạch.

Cũng theo bà Thủy, hiện nay khâu sấy thóc cũng đã có những dây chuyền lắp ghép tự động, nghĩa là khi vào mùa vụ thu hoạch, nông dân có thể lắp hệ thống phơi sấy này ngoài đồng hoặc để ở những nơi có mặt bằng rộng, sau mùa vụ có thể tháo rời lắp gọn lại. Như vậy, thay vì phơi thủ công nhỏ lẻ, các hộ chuyển đến sấy tập trung, chi phí cho loại máy sấy thóc này không lớn, chỉ từ 30 triệu đồng trở lên tùy công suất, hầu hết các hợp tác xã đều có thể lắp đặt được.

Ông Ngô Đình Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội chia sẻ, việc khánh thành nhà máy sấy, xay xát liên hoàn của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết mở ra hướng mới cho sản xuất lúa gạo của Hà Nội. Để nhân rộng mô hình cơ giới hóa trong khâu sấy, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang tích cực làm việc, tìm các đơn vị cung ứng uy tín để cùng các địa phương hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng mô hình sấy phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, tại khâu này, ngoài hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, thành phố, các địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ nông dân kinh phí lắp đặt ban đầu. Có như vậy mới chấm dứt được những hạn chế lâu nay ở khâu bảo quản, phơi sấy thóc sau thu hoạch.../.

NT (Theo Hà Nội mới)