Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản

Ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nông sản đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh sức ép của hội nhập kinh tế như hiện nay.



Điều kiện xuất khẩu nông sản sang các thị trường tiên tiến yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc nông sản chính là kiểm soát được thông tin của sản phẩm và tránh bị giả mạo thương hiệu, đảm bảo việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như trách nhiệm về thông tin của đơn vị sản xuất công bố trong nội dung được mã hóa thành các mã Qr truy xuất nguồn gốc được gắn trên sản phẩm. Bài học về hàng ngàn tấn thanh long, dưa hấu bị ùn tắc tại các cửa khẩu nước bạn mỗi năm vẫn còn nguyên giá trị nếu như chúng ta không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm do chính chúng ta làm ra.

Như đã biết truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y Tế đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn trong đó quy định rõ truy xuất nguồn gốc phải tuân thủ “Nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau” và yêu cầu các cơ sở phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất kinh doanh/công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất kinh doanh/ công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất. Để thống nhất trong việc quản lý các Hệ thống Truy xuất nguồn gốc, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.

Thực hiện Kế hoạch số 02/KH – UBND ngày 03/01/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2018 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì ứng dụng công nghệ CheckVN xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Check.gov.vn (Hn.check.net.vn). Tới thời điểm hiện tại 100% các quận, huyện, thị xã và 2 chợ đầu mối của Hà Nội đã được cấp tài khoản quản trị, hơn 8000 mã sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Hà Nội và các chuỗi cung ứng liên kết sản xuất với Hà Nội đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin trên hệ thống. Hà Nội đã từng bước hoàn thiện các chức năng thương mại điện tử, hệ thống song ngữ Anh – Việt và hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng Module luồng di chuyển của Hệ thống vào thực tiễn.

Đối với Module luồng di chuyển sản phẩm trên hệ thống Check.gov.vn (hn.check.net.vn) và quản lý luồng di chuyển sản phẩm thông qua hệ thống này - được coi là một Module quan trọng nằm bên trong Hệ thống Check.gov.vn (hn.check.net.vn) của Hà Nội, cho phép các bên tham gia hệ thống khi được cấp tài khoản quản trị sẽ cập nhật toàn bộ thông tin từ đầu vào sản xuất - sơ chế, chế biến – logistics – lưu thông phân phối sản phẩm. Với các hình thức nhập liệu bằng văn bản, giọng nói, hình ảnh và thiết bị IOT Module này rất dễ sử dụng và được các doanh nghiệp tích cực đón nhận.

Các trường thông tin của Module luồng di chuyển được xây dựng phù hợp với Tiêu chuẩn TCVN và Tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức mã số mã vạch thế giới, đáp ứng qua các công đoạn thiết lập thông tin luồng di chuyển sản phẩm theo 5 chữ W: Who: Ai?  ;What: Cái gì ?;Where: Ở chỗ nào ?; When: Khi nào ?; Why:  Tại sao ?

Các thông tin về quá trình hình thành sản phẩm, chăm sóc, vun trồng, thu hái, sơ chế, chế biến, đóng gói, lưu thông, vận chuyển, phân phối và mua hàng… được bên tham gia cập nhật lên hệ thống theo các trường thông tin được thu nhận và chia sẻ theo các mặt “AI (Who)?, CÁI GÌ (What)?, KHI NÀO (Where)?, Ở ĐÂU (When)? VÀ TẠI SAO (Why)?”.

Bên cạnh các mặt thông tin này, Hệ thống của Hà Nội còn có những mặt thông tin khác được hiển thị do sử dụng công nghệ CheckVN với các thuật toán bảo mật độc quyền về sở hữu trí tuệ vừa đảm bảo tính ngẫu nhiên duy nhất của sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng và các bên tham gia trong chuỗi sản xuất theo dõi, nhận diện được một đối tượng truy xuất (Sản phẩm hàng hóa, công đoạn trong chuỗi sản xuất, đối tượng này có thể là đối tượng vật lý hoặc đối tượng số cần thiết xác định trong chuỗi cung ứng) qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ cho phép minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc mà còn chống giả bảo vệ thương hiệu rất hiệu quả.

Để  đảm bảo truy xuất nguồn gốc và minh bạch toàn bộ quá trình hình thành và di chuyển của đối tượng truy xuất nguồn gốc, Hà Nội đã xây dựng Module quản lý luồng di chuyển với các chức năng dành cho các bên tham gia bao gồm:

 Thiết lập thông tin luồng di chuyển sản phẩm của bên tham gia là doanh nghiệp, HTX sản xuất ban đầu; Thiết lập thông tin luồng di chuyển sản phẩm của bên tham gia là doanh nghiệp, HTX sơ chế, chế biến; Thiết lập thông tin luồng di chuyển sản phẩm của bên tham gia là doanh nghiệp, HTX vận chuyển, logistics; Thiết lập thông tin luồng di chuyển sản phẩm của bên tham gia là nhà phân phối, Cửa Hàng, Siêu Thị; Thiết lập thông tin của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.

       Việc xây dựng thành công luồng di chuyển sản phẩm trên hệ thống Check.gov.vn đã giúp cho Hà Nội có một công cụ quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm gắn với dòng thời gian thực mà ở đó các bên tham gia đều được hưởng lợi.

* Nhà quản lý có một công cụ quản lý gắn với dòng thời gian thực số hoá tới các cơ sở sản xuất, chế biến, cơ sở phân phối; quản trị và quản lý toàn diện chuỗi cung ứng; công cụ hữu ích nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu chi phí cho cơ quan chức năng trong công tác thống kê, điều tra, phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại thông qua Check.gov.vn;

* Nhà sản xuất có một công cụ quản trị dòng hàng, quản lý sản xuất gắn với thị trường, thống kê và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc; truyền thông, quảng bá, xây dựng và bảo vệ thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, truy xuất nguồn gốc được thông tin về sản phẩm, các tình trạng của sản phẩm bằng chữ, âm thanh, hình ảnh qua tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối sản phẩm cho đến khi tới tay người tiêu dùng thông qua app CheckVN trên smartphone.

Hầu hết các bên tham gia trong đó đặc biệt là doanh nghiệp rất phấn khởi khi được thụ hưởng thành tựu khoa học mà Hà Nội ứng dụng. Mặc dù trong kế hoạch thí điểm, năm 2019 Hà Nội sẽ có 5 chuỗi sản xuất ứng dụng Module này nhưng tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có 12 đơn vị tiên phong ứng dụng module luồng di chuyển minh bạch quá trình hình thành sản phẩm trên Check.gov.vn bao gồm:

* Huyện Đông Anh: Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương; Cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường; Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tàm Xá;

* Huyện Sóc Sơn: Liên nhóm sản xuất rau hữu cơ PGS Thanh Xuân; Công ty CP Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Hoa Sơn;

* Quận Thanh Xuân: Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất (Chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm)

* Huyện Chương Mỹ: Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; Hợp tác xã Bưởi Núi Bé

* Quận Hoàng Mai: Công ty CP Kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh;

* Huyện Mê Linh: Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong; Hợp tác xã DVTH Đông Cao xã Tráng Việt

Các hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng; hợp tác xã Cây ăn quả Lục Ngạn (Bắc Giang); Liên nhóm sản xuất rau hữu cơ PGS Trác Văn (Hà Nam); Cơ sở sản xuất rau an toàn Phương Nam (Ninh Bình) là các đơn vị ngoại tỉnh đã ứng dụng Module luồng di chuyển khi tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Hà Nội.

Hiện tại Hệ thống của Hà Nội đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, giám định và thẩm định; Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng và Trung tâm MSMV chuẩn hóa theo chuẩn TCVN và GS1; sẵn sàng đấu nối với Hệ thống truy xuất nguồn gốc Bộ Nông nghiệp và Hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia theo Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các bên tham gia./.

Trần Huyền Trang