Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp nâng cao vấn đề an toàn thực phẩm trong các chợ truyền thống tại Hà Nội

Hiện nay, toàn Thành phố Hà Nội có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3, 63 chợ chưa phân hạng. Có 02 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Minh Khai.



Có 310/454 chợ được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, 144 chợ chưa được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng. Trên thực tế tại hầu hết các chợ đều có phân khu riêng biệt cho từng ngành hàng, nhóm hàng, đặc biệt đối với các ngành hàng thực phẩm thịt, cá, rau, củ, quả tươi sống và thực phẩm chế biến bao gói sẵn.

Vốn dĩ, chợ truyền thống hiện nay vẫn giữ được thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống là do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi khi người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập, được tự do thỏa thuận về giá cả “thuận mua vừa bán”.

Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm tại các chợ hiện nay chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau, quả; kinh doanh đồ ăn chín và dịch vụ ăn uống... Không thể phủ nhận sự tiện ích của chợ truyền thống, tuy nhiên thực tế tại các chợ truyền thống của Thành phố hiện nay, phần lớn chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, nguy cơ ô nhiễm môi trường và nơi đây là điều kiện để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng,.. Bên trong các chợ, hàng hóa được phân phối đa dạng nên rất khó khăn trong khâu kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn.

Xã hội ngày một phát triển, vấn đề an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống hiện nay lại trở thành nỗi băn khoăn lo lắng của các nhà quản lý. Việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trên thực tế mới chỉ thực hiện tốt ở các chợ lớn tại các quận nội thành. Trong khi vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các chợ nhỏ lẻ vùng ngoại thành chưa được chú trọng; cơ sở vật chất của nhiều chợ còn yếu kém và đã xuống cấp, xập xệ.

Không gian chật hẹp, tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thời gian, những khu chợ này vẫn duy trì hoạt động trong môi trường không đảm bảo bởi rất nhiều lý do. Chị Nguyễn Thị Chung – một khách hàng tại chợ Hà Đông cho biết: “Với thu nhập hạn chế từ đồng lương công nhân nên tôi vẫn thường xuyên đến chợ này để mua thực phẩm cho gia đình, tôi chọn mua thực phẩm ở những sạp hàng quen nên cảm thấy yên tâm và cũng không quan tâm nhiều đến nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm”.

Do thói quen tiêu dùng nên đa số người dân tại các chợ truyền thống vẫn dễ chấp nhận việc sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, Ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các quận, huyện, thị xã đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y Hà Nội“Để quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm tại các chợ hiện nay chúng ta, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, xét nghiệm lấy mẫu phân tích. Bên cạnh đó cần cải tạo nâng cấp hệ thống điện, nước để phục vụ cho các hộ kinh doanh; đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm”.

Thường xuyên tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm; đồng thời tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức một cách đầy đủ về các mối nguy hại khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo, coi trọng sức khỏe bản thân và bảo vệ sức khỏe cho gia đình để từ đó có nhận thức tốt hơn về thực phẩm an toàn và đưa ra sự lựa chọn hợp lý.

Song song với những giải pháp trên cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người kinh doanh trong chợ bằng việc khuyến khích ký cam kết không buôn bán hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó tăng cường đội ngũ nhân lực kiểm tra, giám sát chặt chẽ; đồng thời đầu tư trang thiết bị phục vụ truy xuất nguồn gốc hàng hóa ra vào các chợ để các chợ truyền thống hiện nay không chỉ giữ được nét truyền thống đặc trưng mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng./.

Ngọc  Bích