Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp khôi phục sức khỏe đàn gia súc, gia cầm sau rét đậm, rét hại

Thời gian qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường không theo quy luật. Mặc dù đã sau tết Nguyên Đán song khu vực phía Bắc đã liên tiếp diễn ra các đợt rét đậm, rét hại kéo đài, nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 100C, cộng với mưa phùn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm.



Những ảnh hưởng trực tiếp đó là con vật chậm lớn, không đảm bảo sức tăng trọng như bình thường, đặc biệt nhiều đàn gia súc, gia cầm đã phát sinh dịch bệnh do không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi. Đối với đàn trâu, bò nuôi ở điều kiện bình thường không được thực hiện các biện pháp chống rét, chuồng trại không đảm bảo, thức ăn nước uống khan hiếm, chăn thả không đúng thời điểm nên nhiều trâu, bò đã chết, nhất là đối với bê nghé non. Đối với chăn nuôi lợn và gia cầm ở quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không sử dựng hệ thống điện trong chuồng nuôi khi rét đậm, rét hại nên có nhiều đàn lợn và đàn gia cầm đã chết vì đói rét và phát sinh dịch bệnh. Nguy hiểm hơn là đàn gia súc, gia cầm bị suy giảm miễn dịch đã phát sinh các bệnh truyền nhiễm (như Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro....) làm lây lan ra cả khu vực. Bên cạnh đó, rét đậm, rét hại còn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, lưu thông gia súc, gia cầm từ vùng này sang vùng khác, ảnh hưởng cả việc phát sinh dịch bệnh giữa các vùng, miền. Đối với chăn nuôi bò sữa, rét đậm, rét hại và mưa phùn còn ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sữa. Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất chăn nuôi và an toàn dịch bệnh tại các cơ sở, địa phương.

Để khôi phục nhanh sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, sớm ổn định sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là: Xử lý ngay chuồng trại, khu vực chăn nuôi, nhất là chuồng trại không sử dụng hệ thống điện. Trong những ngày rét đậm, rét hại, thường dùng các vật liệu như bạt, liếp che chắn kín chuồng nuôi, dùng lò sưởi để sưởi ấm thì cần thu dọn tạo cho chuồng nuôi thông thoáng. Xử lý ngay nền chuồng khi ẩm thấp, thay đệm lót để nền chuồng khô ráo, sạch sẽ và quan trọng là loại trừ ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Thời tiết lạnh thường ảnh hưởng trực tiếp đến con vật nhưng là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh, phát triển (nấm, vi khuẩn, virut ...).

Sau việc thu dọn các đồ vật che chắn, thực hiện việc phun thuốc sát trùng để tiêu diệt, ngăn chặn và hạn chế mầm bệnh. Sử dụng các loại thuốc sát trùng thông thường (vikon, haniotdin, halamit...) đồng thời dùng thêm các loại thuốc diệt loại côn trùng (hantox) đề ngăn chặn các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng ...) nhất là đối với các chuồng nuôi trâu, bò thường có nhiều loại côn trùng gây bệnh đối với bệnh (như viêm da nổi cục, tiêm mao trùng, biên trùng ...). Đối với các trang trại sử dụng hệ thống điện cần điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp từng thời điểm trong ngày (sáng trưa, chiều, đêm) vì sau những ngày rét đậm, rét hại nhiệt độ thường lên, xuống, biến động bất thường. Xử lý tốt hệ thống cống rãnh, thoát nước thải, duy trì rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, trên các lối đi để ngăn chặn các loại vi khuẩn, côn trùng gây bệnh xâm nhập.              

Hai là: Cải thiện chế độ ăn uống để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Điều này rất quan trọng để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm nhanh hồi phục sức khỏe. Trước hết là kiểm tra lượng thức ăn tránh bị ẩm, thấp gây nấm mốc, thức ăn lâu ngày, tốt nhất là cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn mới nhập. Có thể tăng số bữa ăn trong ngày, đồng thời bổ sung các loại thức ăn có chất lượng cao, bổ sung các loại vitamin, khoáng cho con vật. Đối với bò sữa, bò thịt, kiểm tra thức ăn ủ, thức ăn hỗn hợp và bổ sung thêm thức ăn tinh cho bò hàng ngày để nâng cao sức đề kháng, thể trạng, chất lượng sữa cho bò thịt, bò sữa. Tăng cường cho trâu, bò ăn thức ăn tinh, giàu đạm, đủ vi tamin, các loại khoáng, muối ăn. Nên cho trâu, bò ăn nhiều bữa trong ngày để bù đắp trong những ngày giá rét trâu, bò ăn kém hoặc ăn không đầy đủ. Bổ sung cho trâu, bò ăn các thức ăn ủ chua như thân cây lạc, lá sắn, củ khoai lang. Đồng thời đảm bảo cho trâu, bò uống đủ nước, có thể cho trâu, bò uống nước có hòa muối (khoảng 5 g/100 kg thể trọng).

Ba là: Thay đổi chế độ chăn thả hàng ngày đối với trâu, bò sao cho phù hợp với thời tiết, khí hậu tại thời điểm hiện tại vì sau những ngày rét đậm, rét hại là mưa nắng rất thất thường. Những ngày mới đầu nên cho trâu, bò vận động ở mức vừa phải để con vật thích ứng dần với thời tiết khí hậu. Đối với chăn nuôi vịt nuôi theo phương thức chăn thả ngoài đồng, ao hồ, cần kiểm tra lại nguồn nước, mức độ ô nhiễm nước sau những ngày mưa rét để hạn chế dịch bệnh.

Bốn là: Kiểm tra ngay lịch tiêm phòng định kỳ đối với đàn gia súc, gia cầm, trường hợp đến kỳ tiêm phòng thì thực hiện ngay việc tiêm phòng vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm (có thể tiêm sớm hơn vài ngày). Lưu ý đối với trâu, bò tiêm phòng các loại vắc xin (như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục...). Lợn tiêm phòng các loại vắc xin (như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả...). Gia cầm tiêm phòng các loại vắc xin (như cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro ...). Chú ý theo dõi sức khỏe con vật hàng ngày, nếu gia súc, gia cầm có dấu hiệu bất thường (ủ rũ, kém ăn, lông xù, ho, sốt ....) thực hiện việc tách những con ốm, chết ra khu việc chuồng nuôi và báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Năm là: Đối với các trang trại chăn nuôi đã hình thành chuỗi liên kết cần rà soát các hoạt động để có thêm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phục hồi sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Đảm bảo các hoạt động cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, vật dụng, trang thiết bị chăn nuôi để sớm bình ổn sản xuất. Duy trì hoạt động cung ứng động vật và sản phẩm động vật để phát triển sản xuất. Thông thường sau các đợt rét đậm, rét hại, các hoạt động lưu thông thương mại về động vật, sản phẩm động vật đều tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái sản xuất.

Sáu là: Thực hiện việc tái đàn, nhập đàn khi đã xuất bán và tăng quy mô, mở rộng sản xuất. Tranh thủ thời tiết thuận lợi sau đợt rét đậm, rét hại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng thu nhập. Lưu ý khi tái đàn, nhập đàn ở những cơ sở có uy tín, đã có thương hiệu sản phẩm nhất là các cơ sở sản xuất giống đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận về an toàn dịch bệnh. Tùy thuộc vào quy mô để nhập đàn, tái đàn với mức độ cho phép, phù hợp, không nên nhập ồ ạt để tránh rủi ro. Đồng thời thực hiện tốt việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương và các quy định về kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm của cơ quan chuyên môn. Thực hiện tốt việc chăm sóc nuôi dưỡng để sớm ổn định sản xuất nâng cao thu nhập.

Hy vọng những giải pháp trên đây sẽ giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sức khỏe đàn gia súc, gia cầm sau đợt rét đậm, rét hại vừa qua./.

                            Nguyễn Ngọc Sơn