Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện Hà Nội có 1.558 trang trại, vốn đầu tư trung bình của mỗi trang trại là 3,4 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng trung bình là 2,173 ha, doanh thu đạt 4,355 tỷ đồng/trang trại/năm. Kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị, bền vững, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư và tạo nhiều việc làm cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển kinh tế trang trại còn một số khó khăn về nguồn vốn, chất lượng nhân lực lao động, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Hay nhiều chủ trang trại chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, việc liên kết giữa các trang trại còn hạn chế…
Để tháo gỡ những vướng mắc này, theo đề xuất của một chủ trang trại tại huyện Sóc Sơn, các chủ trang trại cần được cho vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ quản lý, năng lực nghiên cứu thị trường cho các chủ trang trại để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn.
Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép các chương trình hỗ trợ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó là hỗ trợ các chủ trang trại xây dựng thương hiệu, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Hà Nội trong thời gian tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ các chủ trang trại tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố để đầu tư mở rộng quy mô trang trại; mở đào tạo tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, để phát triển ngành nông nghiệp, nhất là trong việc cơ cấu lại ngành, Hà Nội chú trọng phát triển kinh tế trang trại và phấn đấu đến năm 2025 có 2.000 trang trại trở lên đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nhân rộng mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ và tích cực chuyển đổi số. Cùng với việc tạo điều kiện để các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở ngành phát triển chuỗi liên kết từ nông trại đến bàn ăn. Đồng thời đổi mới hướng tới phát triển bền vững kinh tế trang trại, triển khai các phương án sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện để các trang trại làm ăn hiệu quả phát triển thành hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp./.
NT (Nguồn: Chinhphu.vn)