Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gia Lâm: Xây dựng NTM gắn với phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm

Với đặc điểm và lợi thế sẵn có, huyện Gia Lâm đã phát huy những giá trị, tiềm năng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vừa bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống trên địa bàn.



Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống nhân dân, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện đạt được những kết quả quan trọng.

Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, từ chỗ chỉ có 9 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí vào năm 2010, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… Đến nay, 20/20 xã của huyện đạt chuẩn NTM và huyện Gia Lâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng cao, đến năm 2018 đạt 6.192 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; cải cách hành chính được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 48,9 triệu đồng/người, tăng 31 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47% (năm 2010 là 6,25%).

Với đặc điểm là huyện ngoại thành ở phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, huyện Gia Lâm xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ hội để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp theo hướng đô thị hóa, từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Đồng thời đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo lao động, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch được tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch phân khu trên địa bàn được phê duyệt. Trong giai đoạn 2010-2019, huyện đã đầu tư gần 6.000 tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng khung trên địa bàn.

Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Triển khai thực hiện 14 dự án tuyến đường hạ tầng khung; đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 42 tuyến trục chính khớp nối hệ thống giao thông của huyện. Các cơ sở dịch vụ thương mại, các cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Huyện cũng đã tổ chức sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020” và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn. Đồng thời đã chuyển đổi hơn 1.400 ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái. Tập trung phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Với các làng nghề truyền thống như: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Huyện Gia Lâm đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020”, trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch. Đồng thời gắn với vấn đề tái cấu trúc làng nghề để thích nghi với hội nhập kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề; đảm bảo sự tăng trưởng ổn định lâu dài về mặt kinh tế và sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Với định hướng được xác định xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020 - 2025, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung các nhiệm vụ giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận./.

NT (Theo Chinhphu.vn)