Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gia Lâm: Thành tỷ phú nhờ trồng cam theo mô hình VietGAP

Là người đầu tiên đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, đến nay, ông Trần Văn Bình (thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ) đã có 8ha cam trồng theo quy trình VietGAP, thu hàng tỷ đồng mỗi năm.



Vốn là giáo viên công tác lâu năm tại Văn Giang, Hưng Yên nhưng ông Bình lại có niềm đam mê với nông nghiệp. Năm 2006, ông đã thuê 1 mẫu đất ở quê nhà Kiêu Kỵ trồng 500 gốc cam Vinh và 200 gốc cam Canh. Năm 2014, sau khi nghỉ hưu, thấy trồng cam có thu nhập khá, ông tập trung chăm sóc và mở rộng diện tích trồng cam.

Đến nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích lên 8ha để trồng cam Vinh và cam Canh thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. “Trong quá trình chăm sóc cây, tôi đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường, chỉ dùng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây… Đặc biệt, nguyên tắc thu hoạch cam sau 2 tháng cách ly thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện nghiêm túc để cam luôn đảm bảo an toàn”, ông Bình chia sẻ.

Nhờ đó, cam của gia đình ông xuất ra ngoài thị trường luôn đắt hàng, giá bán cam tại vườn luôn ở mức cao khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Hầu hết những vườn cam từ 2 - 9 năm tuổi cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trung bình 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Bình quân, mỗi năm gia đình ông xuất bán 100 tấn cam, thu về hơn 3 tỷ đồng.

Từ mô hình tiêu biểu của ông Bình, nhiều hộ dân trong xã Kiêu Kỵ cũng mạnh dạn đầu tư trồng cam và có thu nhập cao. Phấn khởi khi sở hữu 3ha trồng cam VietGAP, anh Trần Thành Thượng chia sẻ: “Được ngành nông nghiệp Hà Nội tập huấn, chúng tôi thay đổi tập quán sản xuất cũ, tạo thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP, vườn cam của gia đình tôi luôn được khách hàng tin dùng”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ Vũ Danh La, những năm gần đây, được hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh nên cây cam cho hiệu quả kinh tế cao và là cây trồng chủ lực của nông dân Kiêu Kỵ. Hiện, toàn xã có gần 200 ha diện tích trồng cam, tập trung nhiều nhất ở thôn Báo Đáp. Nhằm xây dựng thương hiệu và hỗ trợ các hộ trồng cam ở Kiêu Kỵ, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng cam VietGAP với hơn 38 thành viên ở thôn Báo Đáp tham gia. Trong đó, ông Trần Văn Bình là 1 trong những hộ tiêu biểu đi đầu và tích cực tham gia sinh hoạt tổ trồng cam VietGAP này.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Trần Xuân Điệu cho biết, hiện nay, Hội Nông dân TP Hà Nội và huyện Gia Lâm đang phối hợp tập trung xây dựng nhãn hiệu Cam Báo Đáp. Ngoài việc quy hoạch, mở rộng diện tích thâm canh, xây dựng mô hình trồng cam theo hướng VietGAP, các cấp Hội Nông dân tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì thực hiện các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân./.

 NT (Theo KTĐT)