Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gia Lâm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Tích cực triển khai thực hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện Gia Lâm đang từng bước hỗ trợ nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.



Theo Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, thời gian qua, để hỗ trợ nông dân tập trung sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng thu nhập, huyện đã triển khai 8 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 6 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, 6 mô hình sản xuất theo hướng sinh thái hữu cơ, 6 mô hình gắn chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 1 mô hình VietGAP... tại các xã trên địa bàn.

Điển hình là mô hình trồng cây ăn quả sạch tại xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Mầu Đới Đăng Thức cho biết, toàn xã có 237ha canh tác, trong đó có 100ha tại thôn 2, thôn Thịnh Liên được các hội viên nông dân trồng bưởi, cam, chuối, nhãn theo hướng VietGAP từ năm 2018. Đến nay, đã có 40ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hội Nông dân xã Trung Mầu còn phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ hơn 300 hộ nông dân vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số hơn 13 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Hà Minh Quang ở thôn 2 (xã Trung Mầu) cho biết, gia đình trồng bưởi trên tổng diện tích 5ha, tạo việc làm cho từ 5-20 lao động với thu nhập từ 250.000-350.000 đồng/người/ngày. Mô hình trồng bưởi VietGAP của gia đình ông cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2022, gia đình ông được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm, Hội Nông dân xã thực hiện mô hình hỗ trợ 7.000 túi vải bọc quả bưởi để chống ruồi vàng, ong, sâu bọ... nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất rau giống, ứng dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho diện tích trồng rau, quả tại xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) cũng giúp nông dân giảm bớt sức lao động và cho sản phẩm an toàn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ cho biết, toàn xã có hơn 300ha trồng rau màu, cây ăn quả các loại. Xã được huyện Gia Lâm hỗ trợ thực hiện mô hình phun tưới nước tự động trên diện tích 1ha trồng hoa, cây ăn quả, rau tại các thôn: Chi Đông, Cổ Giang, Gia Lâm. Mô hình có ưu điểm tiết kiệm 50% công lao động, tiết kiệm nước tới 30-40%, giảm 20-30% lượng phân bón, tạo cảnh quan đẹp cho khu vườn, giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất... Qua đó, nhiều hộ dân trong xã cũng tích cực đầu tư, điển hình như ông Đinh Văn Công, ở thôn Chi Đông đầu tư hơn 200 triệu đồng làm hệ thống phun tưới tự động trên 5ha cây ăn quả gia đình đang canh tác.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ, đã có hàng trăm lượt hộ hội viên được hỗ trợ vay gần 16 tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch. Nhờ đó, thu nhập từ trồng hoa của xã đạt hơn 2 tỷ đồng/ha/năm; trồng rau, cây ăn quả đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, đến nay, toàn huyện có hơn 305ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 1.693ha sản xuất rau, quả đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; 14 xã ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm QR Code trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản của thành phố Hà Nội… Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm./.

TA (Theo Báo HNM)