Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ghi nhận kết quả một số mô hình khuyến nông năm 2017

Trong những năm qua, các dạng mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân tại các huyện, thị xã ngoại thành. Nhiều mô hình khuyến nông được đánh giá cao, có sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia.



Năm 2017, thực hiện kế hoạch được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội giao, Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình khuyến nông ra thực tiễn sản xuất với tổng số 22 dạng mô hình trong đó, trồng trọt, cơ giới hóa 15 dạng mô hình, chăn nuôi 04 dạng mô hình và thủy sản 03 dạng mô hình. Các dạng mô hình khuyến nông được triển khai đều nhằm mục đích nâng cao giá trị sản xuất và nhân văn sâu sắc.

Trước hết phải nói đến các dạng mô hình khuyến nông trồng trọt, cơ giới hóa: Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai tổng số 15 dạng mô hình (trong đó, có 9 dạng mô hình khuyến nông trồng trọt và 6 dạng mô hình cơ giới hóa) với 106 điểm trình diễn, 5.564 hộ tham gia. Các mô hình được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, trong đó, một số mô hình đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa được bà con nông dân đánh giá cao và đón nhận, như: Mô hình trình diễn giống lúa mới, vụ xuân và vụ mùa với quy mô 370,53 ha, triển khai trên địa bàn 10 huyện. Các giống lúa được đưa vào trình diễn là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn; chịu thâm canh, khả năng thích ứng rộng, sinh trưởng tốt, như: Vật tư NA2, Đại Dương 2, J02(J không hai), Kim cương 111, Nếp thơm Hưng Yên. Kết quả, Vụ xuân năng suất đạt trên 65 tạ/ha, vụ mùa cho năng suất bình quân đạt: 55 tạ/ha. Cao hơn lúa đối chứng là Khang dân 18 về năng suất từ 10 – 15%, về lợi nhuận từ 15 - 20%.

Với mục đích góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông trên đất 2 vụ lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình trồng khaoi tây vụ đông trên diện tích 100ha tại 10 huyện với 1.069 hộ tham gia. Ngoài hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư và tập huấn kỹ thuật, hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp thu mua sản phẩm sau thu hoạch.

Song song với việc triển khai các mô hình sản xuất, năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông còn tích cực triển khai các dạng mô hình cơ giới hóa, như mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động, mô hình máy cấy lúa, mô hình máy gặt đập liên hợp, mô hình máy làm đất đa năng dưới 10 mã lực,...Thực tế triển khai cho thấy, các mô hình cơ giới hóa đưa vào ứng dụng trong trong sản xuất nông nghiệp đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động và chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Đối với mô hình Khuyến nông Chăn nuôi, thủy sản: Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 07 dạng mô hình, trong đó: có 04 dạng mô hình chăn nuôi  và 03 dạng mô hình thủy sản. Các mô hình được triển khai tại 44 điểm với 294 hộ tham gia. Trong đó, nổi bật một số mô hình sau:

 Mô hình “Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản”: Mô hình được triển khai với mục đích giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế việc thay nước trong quá trình nuôi, giảm nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, đồng thời nâng cao ý thức quản lý môi trường nước trong nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình được thực hiện tại 4 huyện là Ứng Hòa, Thanh Trì, Sóc Sơn và Quốc Oai với quy mô 10ha và 24 hộ tham gia. Kết quả nghiệm thu mô hình tại 4 huyện cho thấy, mô hình được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, đạt yêu cầu kỹ thuật, năng suất đạt trên 18 tấn/ha, lợi nhuận 50 triệu đồng/ha.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản, năm thứ nhất: Năm 2017, trong bối cảnh giá thịt lợn xuống thấp, gây thua lỗ cho người chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội dừng thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn thịt ATSH” chuyển kinh phí sang xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 90 con để hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức và Thạch Thất, đến nay đàn bò khỏe mạnh, tỷ lệ sống 100%, trung bình đạt trên 200 kg/con, tăng trọng trung bình 6-7kg/con/tháng. Mô hình được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các điểm triển khai.

Có thể nói, năm 2017, tuy còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, do biến động về giá cả thị trường,…song việc triển khai các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các dạng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản của Trung tâm Khuyến nông đã và đang phát huy hiệu quả tốt, thông qua các hoạt động đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân. Do đó được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn Thành phố.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2017 của Trung tâm Khuyến nông, với nhiệm vụ năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 02-CT/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ...Trên cơ sở chủ trương định hướng phát triển nông nghiệp của hội đồng nhân dân và UBND Thành phố, để tiếp tục triển khai các dạng mô hình khuyến nông đạt hiệu quả cao.

Kết quả của các mô hình Khuyến nông sẽ là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình trên địa bàn các huyện, góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên 1 hecta canh tác tại các địa phương trên địa bàn Thành phố, qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại và bền vững./.

Lưu Phượng