Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gắn chuỗi liên kết với sản phẩm chủ lực

Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và thu được những kết quả nhất định. Đây cũng là giải pháp quan trọng hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Để mở rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết, Hà Nội sẽ tập trung phát triển chuỗi gắn với sản phẩm chủ lực.



Nâng cao thu nhập cho nông dân

Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai cho biết, để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất sữa tiệt trùng và sản phẩm từ sữa, công ty đã ký hợp đồng liên kết với hơn 20 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì, thu mua 1,5-2 tấn sữa/ngày. Với các hộ tham gia liên kết, công ty hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật từ chăm sóc, vắt sữa đến bảo quản nguồn sữa, vận chuyển về kho nguyên liệu theo quy trình được kiểm soát nghiêm ngặt.

“Từ nguồn cung nguyên liệu ổn định, công ty sản xuất ra hơn 20 loại sản phẩm sữa khác nhau, tiêu thụ trên thị trường cả nước. Mô hình liên kết này không chỉ bảo đảm doanh thu cho công ty mà còn mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục hộ chăn nuôi trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Mai thông tin.

Không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tham gia chuỗi liên kết, sản phẩm được tiêu thụ ổn định nên người nông dân cũng yên tâm phát triển sản xuất. Theo ông Nguyễn Lương Hậu, thành viên Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa), từ khi tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân trồng giống lúa chất lượng cao J02 được hợp tác xã thu mua với giá 7.000 đồng/kg thóc (cao hơn 500 đồng/kg so với bán lẻ ngoài thị trường), lợi nhuận tăng 20-25%...

Nhận định xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại là sản xuất những mặt hàng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, các chuỗi liên kết không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế 15-20% mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Người tiêu dùng cũng hưởng lợi từ việc sử dụng nông sản có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.

Về vấn đề này, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, các mô hình liên kết chuỗi giúp nông dân sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu; đồng thời tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua các hợp đồng để các bên cùng có lợi. Nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích... bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Nhiều giải pháp nâng cao giá trị chuỗi liên kết

Các chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích nhưng khó nhân rộng bởi nhiều nguyên nhân, như: Công tác dự báo thị trường chưa thực sự được quan tâm; giá nông sản không ổn định; việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, còn tình trạng sản xuất ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu... Do vậy, đến nay Hà Nội vẫn dừng lại ở con số 141 chuỗi liên kết.

Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, công ty đã liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Chương Mỹ để bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Để các chuỗi thật sự phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã... về xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm; đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi về nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

Về việc khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, thời gian tới, cùng với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, Ứng Hòa thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng như: Phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy", phát triển sản phẩm vịt gắn với nhãn hiệu "Vịt Vân Đình"…

Cũng về vấn đề nhân rộng mô hình liên kết chuỗi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với sản phẩm chủ lực của thành phố. Cùng với việc phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung để tạo nền tảng hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn, thành phố sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi, nhà xưởng; mua sắm máy móc thiết bị chế biến… qua đó, nâng cao giá trị chuỗi liên kết.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Trần Thanh Nam, thành phố Hà Nội nên tập trung xây dựng các chuỗi liên kết ở một số lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần xác định rõ chủ thể tham gia chuỗi, có giải pháp hỗ trợ cụ thể để các chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; đồng thời giúp doanh nghiệp, nông dân tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm, khắc phục tình trạng "được mùa mất giá"./.

TA (Theo Báo HNM)