Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gà Mía – Sản vật tinh túy vùng đất cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm – Thị xã Sơn Tây từ lâu đã trở thành điểm đến của du khách thập phương muốn chiêm ngưỡng những ngôi làng xưa với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình và rất nhiều đền chùa. Và một sản vật cũng vô cùng ý nghĩa, được lưu truyền qua nhiều đời, không thể thiếu trong đời sống của người dân xã Đường Lâm, đó là con gà Mía. Nét đẹp văn hóa ấy đang ngày ngày được người dân nơi đây gìn giữ và trân quý.



Đường Lâm - Vùng đất cổ nằm bên hữu ngạn sông Hồng, cách thị xã Sơn Tây 3 km về phía tây bắc, tục danh gọi là Kẻ Mía. Đây là vùng đất lưng tựa vào các quả đồi trung du – những  bậc thềm đầu tiên của núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng. Nơi địa linh nhân kiệt, sinh ra hai vị anh hùng dân tộc – hai vị vua có vai trò lớn trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước và đánh đuổi giặc ngoại xâm của nhân dân ta, đó là Bố Cái Đại Vương – Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền.

Mía (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là vùng đất lắng đọng bao sản phẩm tinh túy vật chất cũng như tinh thần của một cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ với những cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình và rất nhiều đình, chùa làng xây bằng đá ong và gỗ kết hợp với các vật liệu có sẵn ở địa phương. Trải qua hàng thế kỷ, vùng đất này còn giữ được bao nét văn hóa đặc sắc, trong đó, không thể không nhắc đến những giá trị tinh thần liên quan đến giống gà Mía.

Giống gà Mía xưa kia nổi tiếng khắp vùng bởi đặc điểm hình dáng và chất lượng thịt thơm, ngon. Gà mái có màu lông đẹp, vóc dáng nhỏ xinh xắn, gà trống nổi trội với “Đầu công, mình cốc, cánh trai trai”. Theo các bậc cao niên trong làng thì một chú gà trống đủ phẩm chất được chọn theo tiêu chuẩn: Đầu công (đầu chim công nhỏ), mình cốc (mình như chim cốc hình bồ đựng muối), cánh trai trai (hai cánh như hai con trai trai ốp gọn bên mình), mã lĩnh hoàn toàn (màu vải lĩnh đen tía) lông mã ngũ sắc rực rỡ, mỏ màu vàng, mào cờ đỏ chót và lúc nào cũng thẳng đứng.  Những chú gà trống trưởng thành nhìn rất oai vệ, cùng với đôi chân thanh mà không cao (ngắn quản), vững vàng mà không thô (dài đùi). Ở má ngoài chân gà trống có một vệt màu đỏ rõ nét từ trên xuống đến ngón chân trông giống như sợi chỉ đỏ. Với vẻ đẹp bên ngoài cùng với chất lượng thịt thơm, ngon nên gà Mía là sản vật được người dân kẻ Mía lựa chọn để dâng tiến vua.

Ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây cho biết: Con gà Mía trở thành sản vật gắn với lịch sử và đời sống văn hóa vùng đất kẻ Mía, được lưu truyền qua nhiều đời, không thể thiếu trong đời sống của người dân xã Đường Lâm ngày nay. Hàng năm, xã Đường Lâm tổ chức tục rước và tế Gà ở đình làng vào dịp Tết Nguyên đán. Gà Mía được người dân Đường Lâm lựa chọn để tế lễ, cầu cho quốc thái dân an, mọi nhà lo ấm. Nét đẹp văn hóa ấy đang ngày ngày được người dân nơi đây gìn giữ và trân quý.

Xác định chăn nuôi gà Mía không chỉ nhằm bảo tồn giống gà quý của địa phương mà còn giúp người dân phát triển kinh tế, những năm qua, chính quyền địa phương cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tập trung khôi phục, hỗ trợ tổ chức sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu gà mía Sơn Tây nhằm bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà quý này, đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi tại địa phương.

Dẫn đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn, thăm tham quan trại gà Mía giống của Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội), Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh, cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, thị xã đặc biệt coi trọng phát triển theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao. Thị xã đã hình thành được mô hình liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ gà Mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; mô hình nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật Kim Sơn. Ngoài ra, thị xã còn một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao như: Trồng hoa, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Viên Sơn; chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn; nuôi cá trắm đen tại xã Thanh Mỹ...

Đối với giống gà Mía, đặc sản của xã Đường Lâm, những năm qua, Thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Sở NN&PTNT tập trung khôi phục giống, hỗ trợ tổ chức sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu gà mía Sơn Tây nhằm bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà quý này, đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi tại địa phương. Giống gà này hiện đang được Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) duy trì, phát triển và bảo tồn gà mía giống “bố mẹ”, “ông bà” và nhân giống để cung cấp cho thị trường. Hiện nay, tại Xí nghiệp đang nuôi bảo tồn hàng chục nghìn con giống "bố mẹ". Từ con giống gốc chất lượng, hàng năm, xí nghiệp đã nhân được hàng triệu con gà Mía giống, cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại, gia trại trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được chất lượng từ con giống đến sản phẩm cuối cùng; bảo đảm lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người chăn nuôi; đồng thời cung cấp nguồn đầu vào ổn định chất lượng cho doanh nghiệp sản xuất và bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng. Những năm qua, Thị xã Sơn Tây đã hỗ trợ Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây. Trong thời gian tới, Thị xã tiếp tục hỗ trợ Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và phát triển thương hiệu gà Mía.

Tham quan mô hình sản xuất và cung ứng giống gà mía của Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Định hướng phát triển gà Mía của thành phố Hà Nội là rất đúng đắn, đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân thủ đô. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đã chỉ đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tân Khuyến nông Hà Nội  thuộc Sở NN-PTNT nghiên cứu, xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà Mía Sơn Tây cho các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhất là các địa phương có diện tích gò đồi để bà con đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế./.

                                                      Lưu Phượng