Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đưa nông sản vào thị trường có giá trị cao

Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa nông sản Việt Nam vào các thị trường có giá trị cao.



7 nhóm sản phẩm xuất khẩu hơn 2 tỷ USD/nhóm

Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 7 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD/nhóm là: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan dù gặp nhiều yếu tố bất lợi.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, việc triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tạo ra nhiều mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường. Từ đó, ngành Nông nghiệp đã tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh, chủ động mở rộng thị trường, tạo ra giá trị tăng thêm cao.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp rau quả đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, sản phẩm rau quả tươi Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu chiếm khoảng 70%, trong đó sản phẩm chế biến chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh...).

Kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2022 lên tới 2,3 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho hay, gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Hiện tại, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam rất cao…

Có thể nói, sự phát triển chiều sâu đã tạo ra nguồn hàng ổn định; sản xuất nông nghiệp đang giảm dần thế bị động, hướng mạnh tới nhu cầu và bám sát thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất. Cùng với đó, việc mở rộng thị trường, hướng tới các thị trường có giá trị cao đã và đang định hình vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.

 

 

Phối hợp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp

Nhận định hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường chưa đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động về thiên tai, dịch bệnh…, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, cần sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém như: Tình trạng một số mặt hàng xuất khẩu bị trả về, tác động không nhỏ đến uy tín của nông sản Việt Nam hay quy mô sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều... qua đó, thúc đẩy xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến, để đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản hơn 50 tỷ USD trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp & PTNT đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến thị trường. Trong đó, chú trọng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp nắm bắt thực tế cung - cầu sản phẩm nông nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; hướng dẫn doanh nghiệp, người dân đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc... cũng như việc đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp…

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin, Bộ Nông nghiệp & PTNT đang nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm của Việt Nam như: Nhãn xuất khẩu sang Nhật Bản; chanh leo, dừa sang Hoa Kỳ, bưởi sang Hàn Quốc... Cùng với đó là việc chuẩn hóa các quy định liên quan đến các loại quả tươi xuất khẩu.

Cùng với việc chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu một cách bài bản, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty Meet More Coffee Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, thiết lập hệ thống số trong các kênh bán hàng để mở rộng kết nối thị trường…

Thực tế, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản hơn 50 tỷ USD trong năm 2022, còn nhiều việc phải làm. Các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các địa phương… đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp; đồng thời tăng cường thu thập thông tin về thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu thị trường cũng như cập nhật các chính sách, quy định mới cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương…/.

NB (Theo Báo HNM)