Công việc của họ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, dần đưa nông nghiệp ở các địa phương phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và cho hiệu quả kinh tế cao.
Hỗ trợ kỹ thuật và kiểm soát, giám sát
Theo ông Đinh Trọng Quý ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gia đình ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi lợn siêu nạc và trồng hoa, cây cảnh. Nhờ được vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ Khuyến nông thành phố và sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội), mô hình đã cho giá trị kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Còn ông Cao Xuân Trường ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) cho hay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, gia đình ông đã áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP trên diện tích 1ha, nuôi cá chép và cá rô phi. Dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, gia đình ông đã tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP, từ chăm sóc, quản lý đến thu hoạch, hạn chế sử dụng kháng sinh và các chế phẩm sinh học trong việc xử lý môi trường ao nuôi. Sau khi kiểm nghiệm, mô hình được cấp chứng nhận an toàn VietGAP, tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, từ đó mang lại giá trị cao hơn so với chăn nuôi theo quy trình thông thường 10-20%.
Xác định nhiệm vụ đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng là hết sức quan trọng, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã nỗ lực tìm tòi, tiếp cận các mô hình mới và bắt tay vào sản xuất trực tiếp để đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng tại các địa phương.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Trung tâm đã xây dựng các mô hình khuyến nông trên cơ sở gắn ứng dụng khoa học, kỹ thuật với việc lựa chọn các bộ giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống đến kiểm soát, giám sát quy trình kỹ thuật một cách hiệu quả.
“Sáu tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thực hiện mô hình trồng hoa ly trong chậu tại các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ; hỗ trợ về kỹ thuật cho mô hình nuôi bò sinh sản quy mô 100 con tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Qua một thời gian triển khai, các mô hình khuyến nông áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất đều cho hiệu quả kinh tế cao”, bà Vũ Thị Hương cho hay.
Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn
Thực tế hiện nay, việc tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật của nông dân vẫn ở mức độ nhất định, nên gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Do đó, theo ông Trần Tuấn Minh (nông dân nuôi ong lấy mật tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng), các ngành chức năng cần thường xuyên mở lớp tập huấn, tổ chức cho nông dân tham quan mô hình áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Không những vậy, để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ngoài việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, các địa phương cần thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo từng vùng, địa bàn và lĩnh vực sản xuất; trang bị cho người dân kiến thức về liên kết, hợp tác trong sản xuất và đào tạo kỹ thuật. Thông qua các hoạt động này, các hộ nông dân sẽ được tiếp cận và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đạt kết quả cao, từng bước thay đổi nhận thức từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, khi xây dựng mô hình và tổ chức hướng dẫn chuyển giao quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho nông dân, các đơn vị phải xác định được lợi thế của mỗi địa phương, áp dụng kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền. Cùng với đó, mỗi cán bộ khuyến nông phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để có thể tiếp cận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến với nông dân. Cán bộ khuyến nông cũng cần sử dụng đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, như: Thông qua hệ thống đài truyền thanh xã, website, bản tin khuyến nông, email, mạng xã hội…/.
NB (Theo Báo HNM)