Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đông Anh: Nhân rộng mô hình sản xuất rau hữu cơ hiệu quả

Ngoài việc đẩy mạnh phát triển rau an toàn, huyện Đông Anh còn triển khai sản xuất rau hữu cơ an toàn sinh học nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân trên địa bàn Thủ đô.



Theo chia sẻ của ông Tô Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh), bên cạnh việc phát triển sản xuất rau an toàn, Hợp tác xã Sơn Du cũng đã thí điểm xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ an toàn sinh học trên diện tích 2,5 ha để hướng tới phân khúc thị trường tiêu thụ cao, nâng cao giá trị hàng nông sản của hợp tác xã. Trên diện tích hơn 2,5 ha, qua sự đóng góp nguồn vốn hoạt động của các thành viên hợp tác xã và sự chuyển giao giải pháp hữu cơ sinh học từ Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã tiến hành cải tạo đất, đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ sinh học. Với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm nông sản an toàn đích thực vì sức khỏe của cộng đồng, mặc dù quy trình chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn nhiều công sức hơn nhưng giá bán sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã cũng cao hơn so với sản phẩm rau canh tác theo phương pháp truyền thống từ 3-4 nghìn đồng/kg. Với sản lượng trên 2 tấn rau các loại/tháng, hợp tác xã cũng mong muốn xây dựng được một chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản hữu cơ tương xứng với công sức lao động để người nông dân yên tâm sản xuất.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết, năm 2017, Hợp tác xã bắt tay vào mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết. Theo đó, Hợp tác xã đảm nhận vai trò hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kiến thức về sản xuất hữu cơ cho xã viên cũng như giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất. Tất cả nguồn phân hữu cơ được tự sản xuất từ phân chuồng, phế thải hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi. Những chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu hữu cơ cũng được chế từ các thảo dược sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, không độc hại cho người sử dụng. Vì vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm triển khai đến nay các sản phẩm rau hữu cơ của Hợp tác xã đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Hiện nay, các loại rau, củ, quả của Hợp tác xã đều được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội định kỳ lấy mẫu kiểm tra chất lượng và đạt đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt, 100% sản phẩm rau của Hợp tác xã sau khi được thu hoạch và sơ chế đóng gói đều được dán tem QR code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh.

Sau khi nghiên cứu áp dụng thành công quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn sinh học, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cũng đã chuyển giao, nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trong huyện với tổng diện tích trên 50 ha. Việc phát triển mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rất tỉ mỉ, hệ thống nhà vườn phải được đầu tư bài bản, cần vốn lớn và lao động trình độ kỹ thuật cao nên nhiều doanh nghiệp và người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Với chủ trương khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện ủy, UBND huyện Đông Anh đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư để đầu tư mở rộng sản xuất phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và góp phần phát triển bền vững diện tích nông nghiệp còn lại theo hướng đô thị sinh thái./.

NT (Theo Chinhphu.vn)