Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ Đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp trực tuyến với chủ đề: “Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ Đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục trồng trọt, Cục chăn nuôi, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Viện nghiên cứu ngô phối hợp tổ chức. Diễn đàn với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố phía Bắc, đại diện một số doanh nghiệp cùng 165 hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuất ngô sinh khối.



Theo báo cáo tại Diễn đàn, những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc ở nước ta phát triển mạnh. Đặc biệt, chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao được xác định là một trong những sản phẩm chăn nuôi lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi.Tính đến năm 2021, cả nước có khoảng 2,3 triệu con trâu, 5,9 triệu con bò thịt và 332.000 bò sữa. Nắm bắt được nhu cầu thức ăn thô xanh cho chăn nuôi liên tục tăng, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc. Trong năm 2020, diện tích ngô sinh khối đạt trên 100.000 ha, sản lượng đạt gần 450.000 tấn, các chuỗi liên kết không ngừng phát triển. Một số tỉnh phát triển mạnh sản xuất ngô sinh khối là Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Sơn La… Các doanh nghiệp như Công ty Vinamilk, Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và Thực phẩm sữa TH, công ty cổ phần T&T 159, Công ty TNHH Greenlife, Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty TNHH Nam Anh,…đã liên kết, tiêu thụ gần 400.000 tấn ngô sinh khối, đạt 100% sản lượng do nông dân sản xuất. Ước tính mỗi ha ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng từ 80 - 90 triệu đồng/năm, hiệu quả hơn nhiều so với cây trồng khác.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để tạo nguồn thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc phục vụ chăn nuôi theo hướng công nghiệp thì ngô sinh khối là đối tượng cần phát triển với những ưu thế nhất định. Dư địa để phát triển ngô sinh khối đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi của nước ta khá lớn, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngô lấy hạt sang ngô sinh khối ở các vùng chuyên canh ngô, chúng ta còn có thể khai thác đất bỏ hóa vụ Xuân ở vùng miền núi phía Bắc (khoảng 100.000 ha), đất vụ Đông sau 2 vụ lúa ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ (khoảng 200.000 ha).

Tuy nhiên, để thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ Đông 2021, hướng tới phát triển bền vững việc trồng ngô sinh khối tại các tỉnh, thành phía Bắc, còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, tháo gỡ. Các giải pháp, đề xuất đã được đưa ra tại diễn đàn, trong đó diễn đàn tập trung thảo luận về chính sách phát triển sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; quy hoạch sản xuất tập trung, hình thành các vùng sản xuất ngô sinh khối đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững.

Tại Hà Nội, Vụ đông năm 2020 toàn thành phố đã gieo trồng được 254 ha ngô sinh khối, với sản lượng 4864,8 tấn. Vụ đông xuân năm 2020 - 2021 gieo trồng được 389,95 ha, sản lượng đạt 8133,1 tấn. Tập trung chủ yếu tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa,…. Trong đó, có 118 ha được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu.

Lưu Phượng