Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dịch tả lợn Châu Phi: Những giải pháp phòng, khống chế dịch giảm thiểu thiệt hại trên địa bàn thành phố Hà Nội

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đến thời điểm hiện tại được 4 tháng (từ 24/3/2019). Dịch bệnh đã xảy ra ở 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn, với 26.000 hộ chăn nuôi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (chiếm 32 % tổng số hộ có chăn nuôi lợn)và 446.762 con lợn bị tiêu hủy chiếm gần 24 % tổng đàn lợn, gây thiệt hại về kinh tế trên 1.000 tỷ đồng.



Nguyễn Huy Đăng- PGĐ Sở NN & PTNT Hà Nội

Đây là bệnh rất nguy hiểm do vi rút gây lên, chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Dịch xảy ra từ năm 1921 tại Nigieria Châu Phi lây lan sang Châu Âu và Châu Á. Một số nước bị thiệt hại đối với ngành chăn nuôi hàng tỷ USD. Sau nhiều năm mới khống chế được dịch bệnh không tái phát.

Đối với thành phố Hà Nội: Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đứng trong tốp đầu của cả nước về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn lớn (chiếm > 60 % tổng đàn lợn). Với 32 % số hộ chăn nuôi lợn bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi so với tổng đàn lợn, trong đó gần 70% số hộ chăn nuôi lợn có Dịch là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn lại là các hộ chăn nuôi quy mô vừa và trang trại, gia trại chưa áp dụng đồng bộ các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các Hợp tác xã, hộ chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong chăn nuôi áp dụngđồng bộ các quy định về an toàn sinh học chưa bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

* Nguyên nhân chủ yếu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan ở các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và các hộ chăn nuôi vừa, trang trại, gia trại:

- Các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và vừa trong khu dân cư tập trung mật độ cao, sát nhau.

- Hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn tận dụng không nấu chín, phương tiện vận chuyển, thùng chứa đựng thức ăn không sát trùng tiêu độc.

- Các hộ chưa bị dịch sang các hộ có dịch và đến xem tiêu hủy lợn bị dịch.

- Sử dụng thịt lợn nhiễm bệnh ở chợ truyền thống do không được chính quyền cơ sở và cơ quan Thú y kiểm soát khi giết mổ ở lò mổ nhỏ lẻ.

- Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, người chăn nuôi không được vệ sinh tiêu độc hàng ngày, chuồng chăn nuôi không có lưới che ngăn côn trùng, chuột.

- Tự trộn thức ăn: Nguyên liệu không được kiểm soát (bột thịt, bột xương, cám, ngô, đỗ tương), phương tiện vận chuyển không được tiêu độc.

- Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ: Giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, chưa được xét nghiệm bởi cơ quan Thú y.

- Vứt lợn bệnh ra sông, ngòi, ao hồ, mương, máng.

- Lợn đực giống cho đi nhảy trực tiếp các lợn nái ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

 * Để giảm thiệt hại về do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, cần tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:

(1) Tăng cường sự chỉ đạo của Đảng, Chính quyền. Huy động cả hệ thống Chính trị vào cuộc. Nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở: xã, phường, thị trấn. Sự tham mưu kịp thời của cơ quan chuyên môn.

(2)  Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, để không chủ quan và hoang mang. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi vừa, trang trại, gia trại thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Chính quyền cơ sở quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

(3) Tổ chức tiêu hủy lợn nhiễm bệnh đúng quy định về địa điểm và đúng kỹ thuật. Khuyến cáo người chăn nuôi, không có trách nhiệm không nên đến nơi tiêu hủy.

(4) Ban chỉ đạo cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc “5 không”Không giấu dịch; Không bán chạy, vận chuyển lợn bệnh; Không giết mổ lợn bệnh; Không vứt lợn bệnh ra sông, ngòi, ao hồ, kênh mương; Không sử dụng thức ăn thừa từ khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, quán ăn … và “4 tại chỗ”:  Chỉ đạo tại chỗ của Ban chỉ đạo của chính quyền cơ sở; huy động nhân lực, vật lực, kinh phí tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chôn hủy tại chỗ.

(Đối với hộ chăn nuôi lớn, trang trại, gia trại, Hợp tác xã, doanh nghiệp có quỹ đất chôn tại chỗ, hạn chế vận chuyển lợn bệnh gây lây lan).

(5)  Chính quyền xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã có chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi ở các quận và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, hộ kinh doanh lợn đực giống nhảy trực tiếp  chuyển đổi nghề và chuyển đổi đối tượng vật nuôi.

(6) Hướng dẫn hộ chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư theo chuỗi khép kín: Sản xuất giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ; Chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa công ty sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm và Hợp tác xã, hộ chăn nuôi lợn an toàn  sinh học./.