Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đề án nêu rõ những mục tiêu cụ thể như: Xây dựng được ngân hàng giống quốc gia, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất giống mới có quy mô lớn; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ sinh học và quản lý giống theo hình tháp trong sản xuất giống.
Nâng cấp, hiện đại hóa một số trung tâm giống hiện có và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành giống vật nuôi, tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất giống vật nuôi.
Đặt mục tiêu đến năm 2030, nước ta có thể chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất, giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực: Đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống lợn, 80% nhu cầu giống gà, 100% nhu cầu giống vịt, 70% nhu cầu giống bò thịt. Nhập khẩu các giống vật nuôi cấp cụ kỵ, ông bà, giống thuần có năng suất cao để làm tươi máu và cải tạo năng suất các giống vật nuôi hiện có.
Tăng cường năng lực cho tối thiểu 6 cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp; tổ chức chọn lọc, nhân giống và sản xuất giống đồng bộ theo hệ thống cấp giống; áp dụng phương pháp quản lý giống vật nuôi theo mô hình tháp giống gắn với mã định danh quốc gia đối với các cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học và tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới để sản xuất giống và phát triển chăn nuôi.
Khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế vùng miền.
Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy việc xã hội hóa các hoạt động triển khai công nghiệp sản xuất giống vật nuôi. Đồng thời tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ ở các địa phương.
Đề án cũng đặt ra các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, tiếp thu nhanh các tiến bộ mới để sản xuất và quản lý giống vật nuôi. Kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống vật nuôi; đánh giá chất lượng con giống (đặc biệt đối với đực giống) bằng các công nghệ tiên tiến phù hợp từng đối tượng vật nuôi và áp dụng thống nhất chung cho các cơ sở giống trên toàn quốc.
Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ; Nghiên cứu, cải tạo, tiếp cận các giống vật nuôi có năng suất cao (cấp cụ kỵ, cấp ông bà, giống thuần) để làm tươi máu và nâng cao năng suất đàn giống vật nuôi. Khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng hàng hóa, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu theo lợi thế vùng miền gắn với du lịch.
Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, cơ sở lưu giữ và nhân giống vật nuôi.Cụ thể: Đầu tư xây dựng một số trung tâm nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia có cơ sở vật chất đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao để thu thập, quản lý thông tin, dữ liệu cho từng đối tượng giống vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong công tác chọn giống, sản xuất giống, quản lý nguồn gen và chất lượng giống vật nuôi.
Tăng cường năng lực, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giống vật nuôi từ trung ương đến địa phương, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng giống nhập khẩu và giống vật nuôi lưu thông trong nước. Đồng thời nâng cao vai trò hội, hiệp hội trong công tác kiểm soát, đánh giá chất lượng giống, xác nhận nguồn gốc chất lượng giống vật nuôi.
Nâng cấp, tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất của một số đơn vị nuôi giữ giống gốc và phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ công tác chọn lọc giống, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi đảm bảo chất lượng hiệu quả; Tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp giống vật nuôi theo hình thức đối tác công tư…/.
NB (TH)