Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn

Tại chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, đặc biệt là vấn đề đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, lấy người dân là trung tâm.



Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Kế thừa thành tựu quan trọng đó, 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%.

Phó Thủ tướng thừa nhận, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế như việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường; còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất còn manh mún, tự phát. Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Năng suất lao động của ngành Nông nghiệp còn thấp, chỉ bằng 50-60% của các nước tiên tiến trong khu vực.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản, nhất là rau, quả vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng “được mùa, mất giá”, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hằng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế - xã hội.

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trước hết, các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện tốt các nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua: Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - hợp tác xã; về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai. Đây là những chủ trương, định hướng lớn để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo động lực mới cho phát triển ngành Nông nghiệp.

Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, định hướng lớn trong Chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp và tình hình thực tiễn, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn, tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các cửa khẩu như giai đoạn vừa qua.

Thứ ba, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đất đai; hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu kết luận phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược, cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên cho lĩnh vực này, nên những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cũng thừa nhận, nông nghiệp nước ta cũng còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ tự phát, phát triển thiếu bền vững, thu nhập và đời sống của người nông dân chưa cao.

Từ thực tế đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là hết sức quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trên cơ sở nội dung của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó lấy nông dân làm chủ thể phát triển. Đồng thời, tổ chức sản xuất, liên kết thị trường giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là nâng cao năng lực dự báo về thị trường; xây dựng các trung tâm logistics về nông sản, gắn với vùng nguyên liệu; xây dựng đề án xuất khẩu nông sản vào các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp chịu nhiều tác động của dịch Covid-19…/.

NT (Theo Báo HNM)