Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Với mục đích lắng nghe những ý kiến, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ của doanh nghiệp, người sản xuất để có giải pháp khơi thông, kết nối nông sản với thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh tổ chức các Hội thảo, Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua đó, vừa tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã bằng việc kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố, vừa tạo cơ sở thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản bền vững.



Mặc dù đã đưa được rau vào một số hệ thống siêu thị, song Hợp tác xã rau an toàn Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình liên kết với doanh nghiệp bán lẻ. Theo phó giám đốc HTX rau an toàn Tiền Lệ Nguyễn Khắc Bút, hiện sản lượng rau của HTX tiêu thụ qua kênh siêu thị, doanh nghiệp mới chỉ được 35% còn lại bà con vẫn phải tự tiêu thụ. Vì vậy, HTX rất mong muốn được kết nối với nhiều doanh nghiệp bán lẻ để bảo đảm đầu ra ổn định, giúp thành viên HTX yên tâm sản xuất. Khó khăn mà HTX rau an toàn Tiền Lệ gặp phải cũng là khó khăn chung của rất nhiều cơ sở, HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Một trong những nguyên nhân được cho là khâu then chốt dẫn đến nông sản làm ra khó tiêu thụ, chính là còn thiếu sự ràng buộc về mặt pháp lý, một sự liên kết bền vững giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ.

Nhận định rõ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết tiêu thụ nông sản, trong hai năm 2019, 2020, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông đã tích cực phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tổ chức thành công 22 hội thảo, diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mỗi cuộc hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, giám đốc HTX, chủ trang trại, gia trại, nông dân và đặc biệt là các doanh nghiệp, công ty, cơ sở thu mua, phân phối nông sản, thực phẩm an toàn tham gia. Thông qua các cuộc hội thảo, diễn đàn, người nông dân, các chủ trang trại, HTX có thể nắm rõ xu hướng, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có thương hiệu. Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố cũng biết được nguồn gốc sản phẩm an toàn đang được sản xuất, từ đó đã tạo điều kiện để các bên ký kết biên bản hợp tác.

Cũng tại các hội thảo, diễn đàn các chuyên gia, doanh nghiệp đều nhận định: Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. Hợp tác xã là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà. Song để tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững, bản thân các HTX cũng cần không ngừng đổi mới, chú trọng hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu về nông sản sạch, an toàn thực phẩm. Còn nông dân nên tập trung sản xuất tốt còn lĩnh vực tìm hiểu thị trường, tiêu thụ sản phẩm nên để các tác nhân khác làm cho hiệu quả, chuyên nghiệp, đây cũng là lý do nông dân, HTX cần liên kết với doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn đàn cũng là dịp để các quận huyện, thị xã trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương; các doanh nghiệp, người sản xuất có dịp tìm kiếm đối tác để liên doanh, liên kết. Riêng năm 2020, tại các diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã kết nối được 6 doanh nghiệp bán lẻ ký kết tiêu thụ nông sản cho bà con.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm  có cơ hội được tìm hiểu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh việc tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, tuần lễ trưng bày, giới thiệu sản phẩm,... hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức các diễn đàn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hội nghị nhận diện sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông sản của Hà Nội đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, qua đó khẳng định nhãn hiệu, thương hiệu như gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), cam canh Kim An (Thanh Oai), bưởi Chương Mỹ, bưởi Quế Dương, nhãn chín muộn (Hoài Đức); rau Vân Nội (Đông Anh), rau an toànVăn Đức (Gia Lâm), gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn,…

Từ thực tế sản xuất cho thấy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu, là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị giá tăng và phát triển bền vững. Phát huy lợi thế, trong thời gian tới các huyện tiếp tục chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất chuyên canh tập trung, cung cấp nông sản chất lượng cao. Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu.

“Xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2021, duy trì và tăng 20% chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn”. Ông Tạ Văn Tường – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết.

Trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì hoạt động kết nối càng cần đẩy mạnh nhằm không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất tìm kiếm thị trường, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu nông sản, mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành Nông nghiệp Thủ đô...Quan trọng, tổ chức sản xuất theo chuỗi sẽ góp phần vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa giải quyết khâu lưu thông sản phẩm hàng hóa.

Hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại nông sản có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu..., từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong những bối cảnh nhiều bất thuận bởi dịch bệnh, thiên tai, chuỗi tiêu thụ nông sản bền vững còn góp phần giảm thiệt hại cho người sản xuất. Với những giải pháp tích cực của ngành Nông nghiệp, thị trường nông sản Hà Nội sẽ tiếp tục ổn định và nâng cao được giá trị./.

                                                                        Lưu Phượng