Bà Phùng Thị Dũng ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho biết, với diện tích 4.000m2, gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi bò thịt. Hiện nay, với tổng đàn 11 con bò Kobe và giống BBB, mỗi năm gia đình bà thu từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với nuôi giống bò truyền thống.
Tương tự, theo ông Đào Xuân Huân ở xã Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên), nhờ chăn nuôi bò thịt thương phẩm với tổng đàn hơn 10 con bò BBB, mỗi năm gia đình ông Huân thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, chăn nuôi bò thịt ít rủi ro so với nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm bởi bò ít xảy ra dịch bệnh, giá bán ổn định...
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng thông tin, Minh Châu hiện là một trong 19 xã trọng điểm của thành phố về phát triển chăn nuôi bò thịt. Toàn xã có hơn 1.400 hộ dân thì 95% số hộ chăn nuôi bò với tổng đàn 4.200 con, hầu hết là giống lai Sind, lai giống ngoại. Chăn nuôi bò thịt thương phẩm không chỉ mang lại giá trị cao cho nông dân, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã mà hằng năm, Minh Châu còn cung cấp cho các địa phương trong và ngoài huyện Ba Vì khoảng 1.000 con bò giống và bò thịt.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, ông Hà Tiến Nghi cho hay, thành phố hiện có hơn 131.600 con bò, trong đó bò lai là hơn 115.900 con. Toàn thành phố đã hình thành và phát triển được 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm và 98 trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, quy mô hơn 2.400 con.
Có thể thấy, chăn nuôi bò thịt thương phẩm theo hướng tập trung, quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, tuy nhiên hiện nay chăn nuôi bò thịt vẫn mang tính nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng; chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ. Mặt khác, Hà Nội chưa xây dựng được thương hiệu thịt bò để dán tem, truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm cạnh tranh với các mặt hàng thịt bò nhập khẩu.
Để mô hình chăn nuôi bò thịt thương phẩm phát huy hiệu quả hơn nữa, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Phùng Thị Thanh Chúc cho biết, thời gian tới huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân đưa các giống bò chất lượng tốt vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị kinh tế. Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn thông qua Quỹ Khuyến nông thành phố; Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố..., giúp nông dân mở rộng quy mô chăn nuôi bò thịt theo hướng tập trung, quy mô lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Hà Nội có tiềm năng rất lớn trong phát triển chăn nuôi bò thịt thương phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Cùng với việc quy hoạch vùng trọng điểm phát triển chăn nuôi bò thịt, Hà Nội đang từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bò thịt BBB để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo niềm tin với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi tới giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi bò thịt trên địa bàn thành phố phát triển bền vững./.
NT (Theo Hà Nội mới)