Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đánh giá xếp loại các hợp tác xã nông nghiệp

Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 341 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trong đó, số Hợp tác xã thành lập mới là 54 HTX (tăng 22,7% so với năm 2018), số Hợp tác xã giải thể là 01 HTX.



           Sau 8 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, đến nay, tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại các HTX hoạt động theo luật. Về thực trạng các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh hiện nay, trong tổng số 341 HTX nông nghiệp được phân loại theo loại hình hoạt động có 68 HTX hoạt động dịch vụ nông nghiệp, 46 HTX trồng trọt, 28 HTX chăn nuôi, 06 HTX lâm nghiệp, 56 HTX thủy sản và 129 HTX dịch vụ tổng hợp.

            Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp năm 2019 theo thống kê cho thấy, doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp đạt 850 triệu đồng/HTX/năm, tăng 50 triệu đồng/HTX/năm so với năm 2018 (tăng 6,25%). Thu nhập bình quân của các thành viên HTX nông nghiệp đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm (đạt gần 3,3 triệu đồng/người/tháng), tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2018 (tăng 33,3%). Nhóm Hợp tác xã có mức thu nhập bình quân cao là những HTX đa dạng các loại hình dịch vụ, tổ chức sản xuất tốt, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như các HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, chăn nuôi, thủy sản và một số ít các HTX trồng trọt. Nhóm có mức thu nhập bình quân thấp là những HTX chỉ hoạt động dịch vụ thủy lợi, kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách cấp bù. Năm 2019, toàn tỉnh có tổng số 249 HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại (87 HTX không được đánh giá gồm các HTX ngừng hoạt động, các HTX mới thành lập chưa đủ 01 năm và các HTX hoạt động nhưng không có báo cáo đánh giá). Kết quả phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 có 57 HTX loại tốt, 74 HTX loại khá, 88 HTX loại trung bình và 30 HTX xếp loại yếu.

            Nhìn chung hoạt động của các HTX đã góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị cây, con qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. /.                     

                                                                                    Minh Trí