Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân

UBND Thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND về việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.



Theo đó, UBND Thành phố thiết lập phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân phòng, chống dịch trên địa bàn. Cụ thể:

Tăng nguồn cung tại chỗ trên địa bàn Thành phố

Về trồng trọt: Đối với sản xuất rau, thành phố yêu cầu hướng dẫn nông dân sản xuất rau tăng lứa, gối vụ tăng hệ số quay vòng đất bằng sử dụng các màng che phủ tránh rau dập nát vào mùa mưa; trồng rau vụ đông sớm cho thu hoạch trong quí IV năm 2021; Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 500 - 600 ha tại các huyện có đất vùng bãi, diện tích chuyên canh rau, trung bình 80 - 100 ha/huyện như Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Gia Lâm, Sóc Sơn,…cần hỗ trợ nông dân giống, màng phủ, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học. Hướng dẫn nông dân sản xuất rau tăng lứa, gối vụ tăng hệ số quay vòng đất bằng sử dụng các màng che phủ tránh rau dập nát vào mùa mưa; Thâm canh diện tích rau ngắn ngày để tăng sản lượng trên diện tích rau hiện có như: Rau cải các loại, rau muống, mùng tơi, rau ngót,…

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn mở rộng diện tích sản xuất rau ngắn ngày, rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 2.000 ha rau ở các huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ,… tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày: Rau muống, cải các loại, mùng tơi, rau ngót,…

Tăng diện tích cây trồng như rau màu, khoai tây, ngô, đậu tưong… có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao

Phấn đấu diện tích cây vụ đông đạt 28.169,1 ha, trong đó rau các loại: diện tích 12.932,4 ha, năng suất 222 tạ/ha sản lượng 287.000 tấn. Tập trung một số huyện sản xuất lớn (Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ,…).

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 500-600 ha tại các huyện có đất vùng bãi, diện tích chuyên canh rau, trung bình 80-100 ha/huyện như Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Gia Lâm, Sóc Sơn,…cần hỗ trợ nông dân màng phủ, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học.

Về chăn nuôi: Duy trì, phát triển đàn bò 164 nghìn con, (trong đó 15.000 bò sữa). Phát triển các trại, trang trại bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các xã của các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ....; Phát triển đàn lợn đạt 1,8 triệu con, trong đó lợn nái 180 nghìn con nái. Định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện, thị xã: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất.  Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, lựa chọn các giống lợn đực ngoại nhập  để phục vụ cho các cơ sở sản xuất tinh lợn; lợn nái ông bà có năng suất chất lượng cao để phục vụ cho các cơ sở sản xuất giống; Phát triển đàn gia cầm đạt 40 triệu con, trong đó đàn vịt 11 triệu con, gà 29 triệu con (bao gồm 12 triệu gà sinh sản). Định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi quy mô lớn và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyên, thị xã (Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất,….) Chăn nuôi theo hướng VIETGAP, hữu cơ, sinh học.

Về nuôi trồng thủy sản: Tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng lên cao hơn nữa để đạt được sản lượng trên 120.000 tấn/năm; Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn phát triển một số diện tích nuôi ngắn ngày, có năng suất cao như: cá rô phi đơn tính, cá chép lai; Rà soát, mở rộng phát triển diện tích mô hình nuôi kết hợp cá – lúa khoảng 600 ha lên để đạt được diện tích nuôi trồng thủy sản của Thành phố năm 2021 đạt 24.000 ha.

Về chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản: Tiếp tục duy trì, phát triển ổn định sản lượng sản xuất 400 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn. Thành phố đề nghị các doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn trên địa bàn Hà Nội (Công ty CP Việt Nam, Công ty Hà Nội Food,  Công ty CBTP Bảo Minh, Công ty Vinh Anh…) tập trung sản xuất sản phẩm chế biến phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Cung cấp nguồn hàng nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành phố:

Thành phố yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị phân phối làm việc ngay với  các tỉnh, thành phố thông tin, nắm bắt cụ thể các đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm có thể cung ứng cho Hà Nội; chỉ đạo các đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội thu mua đưa về các kho dự trữ, các điểm bán hàng phục vụ nhân dân.

Huy động tổng lực hàng hóa của các đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đã cam kết cung cấp hàng hóa cho Hà Nội; các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố.

Về phương án điều phối hàng hóa, đáng chú ý, trường hợp nhiều điểm bán thực phẩm tươi sống (chợ, siêu thị) ngừng kinh doanh cùng một thời điểm, hàng hóa nhiều nơi bị thiếu, Thành phố tiếp tục triển khai ngay 2.500 điểm bán lưu động đã bố trí (nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các khu vực đất trống), 472 điểm giao dịch của hệ thống bưu điện, các địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về; đa dạng hình thức bán lưu động.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng bố trí các khu đất trống cho các tiểu thương trong chợ dân sinh di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động hoặc cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bán thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu hệ thống không bán thực phẩm thiết yếu chuyển đổi công năng các điểm bán sang bán lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân. Đăng ký các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp mở cửa 24/24 giờ sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có sự cho phép của Thành phố.

 Trong trường hợp các tỉnh, thành phố thường xuyên cung ứng hàng hóa cho Hà Nội bị hạn chế nguồn cung hoặc bị dịch phải phong tỏa, cách ly… thì Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục liên kết với các tỉnh thành phố khác, chỉ đạo các đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội thu mua đưa về các kho dự trữ, các điểm bán hàng phục vụ nhân dân.

UBND Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp phân phối mặt hàng thiết yếu chấp hành nghiêm túc và đảm bảo công tác phòng chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh, vận chuyển hàng hóa khi tham gia lưu thông theo quy định.

Tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa về các khu, điểm bán của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Đẩy mạnh thực hiện bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại...

Bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm cung ứng hàng hóa, giao hàng đến người tiêu dùng, việc thực hiện đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn, quy định hoạt động phương tiện vận tải của ngành Giao thông vận tải; Xây dựng phương án sẵn sàng huy động và tổ chức Điểm bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đăng ký các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp mở cửa 24/24h sẵn sàng phục vụ nhân dân và chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của Thành phố.

Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người tiêu dùng yên tâm mua sắm.

Đăng ký các xe ô tô tham gia vận chuyển hàng hóa vào hệ thống “Luồng xanh” Quốc gia và Thành phố, xe mô tô 2 bánh tham gia vận chuyển giao nhận hàng hóa theo hình thức Thương mại điện tử gửi Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải để được cấp mã hoạt động theo quy định; hướng dẫn lái xe mang đầy đủ các giấy tờ liên quan và hợp đồng, phiếu giao nhận vận chuyển,... để xuất trình với các cơ quan chức năng làm cơ sở cho việc đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường.

Triển khai tiêm vắcxin cho đối tượng người lao động trong sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), kinh doanh (chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa…), nhân viên vận chuyển (xe ô tô, xe mô tô 2 bánh)…có trụ sở đóng trên địa bàn để đảm bảo nguồn nhân lực tham gia sản xuất kinh doanh góp phần thực hiện mục tiêu kép của Thành phố và đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn Thành phố./.

TX (TH)