Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm đứng đầu cả nước với khoảng 36 triệu con, trong đó đàn vịt 10,4 triệu con, tập trung ở một số địa phương như Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hoà... Với phương pháp chăn nuôi truyền thống, nuôi vịt thường phải gắn với nguồn nước ở ruộng đồng, ao hồ, kênh mương. Tuy nhiên, những năm gần đây, với việc áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi vịt hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn nước. Theo đó, chuồng nuôi vịt được thiết kế khép kín, trong chuồng có lắp đặt quạt làm mát, hệ thống cho ăn tự động, mặt sàn bằng lưới...
Nuôi vịt theo hướng công nghệ cao được 4 năm nay, ông Lê Văn Trẻo (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) đánh giá, trước đây nuôi trên nền đất, vịt hay nóng và dễ bị thối lông bụng do không cách ly được chất thải. Nhưng hiện nay, phương pháp chăn vịt công nghệ cao đem lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm được công lao động, chủ động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, đàn vịt phát triển nhanh hơn, chuồng nuôi hoàn toàn không có mùi hôi. Mặt sàn được thiết kế tấm lưới nhựa, dưới là mặt bê tông nên dễ dàng tẩy rửa hàng ngày. Theo tính toán của ông Trẻo, đàn vịt đẻ nuôi theo truyền thống thường khai thác trứng khoảng 12 tháng nhưng nuôi theo công nghệ cao có thể khai thác tới 18 tháng. Bên cạnh đó, tỷ lệ đẻ trứng cũng tăng lên từ 80% lên 87%.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 28 trang trại chăn nuôi vịt công nghệ cao với quy mô khoảng 5.000 – 10.000 con/trang trại. Đây là hướng chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, cần nhân rộng trong thời gian tới. Thuận lợi trong nuôi vịt công nghệ cao là không cần diện tích ao hồ, ruộng đồng, kể cả trong chuồng nuôi cũng không cần bể, nguồn nước để vịt bơi, chủ yếu đảm bảo nguồn nước uống và tắm cho vịt hàng ngày. Ông Sơn cũng khuyến cáo, chăn vịt công nghệ cao phải có hệ thống điện bảo đảm 24/24 giờ để điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi. Địa điểm xây dựng trại phải thuận tiện cho việc vận chuyển, không bị nước lụt và không nằm trong khu dân cư. Bên cạnh đó, cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và chuỗi liên kết để bảo đảm ổn định đầu ra cho cho sản phẩm./.
NT (Theo KTĐT)