Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công tác Khuyến nông thích ứng với đại dịch COVID - 19

Năm 2021, để bảo đảm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã khắc phục, thích ứng với những điều kiện bất thuận trong bối cảnh dịch bệnh, tích cực đẩy nhanh tiến độ mô hình, chương trình khuyến nông hỗ trợ người nông dân theo phương châm: “vừa chống dịch vừa sản xuất tốt”. Với nhiều nỗ lực, trong năm qua, công tác khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong bước “chuyển mình” tích cực của ngành nông nghiệp Hà Nội giữa đại dịch COVID-19.



Với vai trò là cầu nối chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Trung tâm khuyến nông Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng nhiều mô hình cho hiệu quả cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. Nhằm mục tiêu hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, đem lại hiệu quả bền vững và lâu dài cho bà con nông dân trên địa bàn Thành phố, các mô hình khuyến nông ngày càng được triển khai đa dạng, thích ứng với biến đổi khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức thực hiện tổng số 20 dạng mô hình triển khai tại 75 điểm với 1.207 hộ, Hợp tác xã tham gia (trong đó có 11 dạng mô hình Trồng trọt, Cơ giới hóa; 09 dạng mô hình Chăn nuôi - Thủy sản). Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn được triển khai cơ bản đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương nên được nông dân hưởng ứng, địa phương đón nhận, đánh giá cao.

Những năm gần đây, điều kiện thời tiết có những biến đổi bất thường theo hướng cực đoan dẫn đến gia tăng các loại sâu bệnh hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Sử dụng giống cây trồng thích ứng là một biện pháp cần thiết trước các hình thái biến đổi khí hậu. Nhằm giúp bà con tổ chức sản xuất có hiệu quả, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì việc lựa chọn những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao để đưa vào mô hình trình diễn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chú trọng triển khai. Các giống cây trồng mới được lựa chọn trong mô hình gồm các giống lúa, hoa sen, hoa lily, khoai tây và nho hạ đen. Trong đó, đơn cử riêng đối với cây nho hạ đen, một loại cây mới được trồng tại miền Bắc. Nho vốn là một loại cây khó trồng, không ưa độ ẩm và mưa. Trong khi miền Bắc lại là nơi có độ ẩm rất cao, lượng mưa nhiều. Để khắc phục điểm yếu này, mô hình chuyển giao kỹ thuật áp dụng giàn hình chữ Y theo dọc luống. Bên trên làm vòm mái che bằng nilon trong suốt, sử dụng dây thép để cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo. Để tiết kiệm chi phí công lao động đồng thời giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại, mô hình đã sử dụng bạt che toàn bộ phần gốc bên dưới và áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tưới nước và bón phân. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên mặc dù khí hậu miền Bắc không phải là khí hậu lý tưởng của cây nho nhưng cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch quả lứa đầu với giá bán từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Mô hình đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của bà con tham gia mô hình cũng như chính quyền địa phương, góp phần đa dạng các chủng loại cây ăn quả của Hà Nội.

Bên cạnh các dạng mô hình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, thì các mô hình khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững gắn liền với chủ trương, quy hoạch phát triển vùng sản xuất, cũng là một điểm đáng ghi nhận trong công tác khuyến nông năm vừa qua. Các mô hình được triển khai áp dụng đối với cây ăn quả, rau, thủy sản, chăn nuôi lợn, gà ...đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Không những thế, việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.

Trong lĩnh vực thủy sản, các dạng mô hình chăn nuôi thủy đặc sản cũng đang phát huy hiệu quả tốt. Những năm gần đây, bên cạnh mô hình lựa chọn đối tượng thủy sản truyền thống, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn đẩy mạnh đưa vào mô hình trình diễn các đối tượng thủy đặc sản như cá chạch, rô đầu vuông, tôm càng xanh, lăng đen,  ... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2021, Trung tâm lựa chọn đối tượng cá lăng đen cho mô hình Nuôi cá lồng. Mô hình có quy mô 600 m3 tại 02 huyện: Gia Lâm và Ba Vì. Mô hình phát huy lợi thế, tiềm năng về hệ thống sông, hồ đa dạng của Hà Nội để nuôi cá lồng. Nuôi cá lồng có ưu điểm dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, tận dụng dòng chảy, môi trường nước ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, cá sinh trưởng phát triển tốt, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng; còn đối với cá Lăng đen, là loài có chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng được người tiêu dùng ưa chuộng. Thành công của mô hình không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi thủy sản mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nuôi trồng thủy sản của Thành phố.

Theo giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, năm vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng các mô hình khuyến nông vẫn được triển khai cơ bản đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, được nông dân hưởng ứng nhân rộng, địa phương đón nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, Công tác thông  tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và giải ngân nguồn vốn Quỹ khuyến nông được Trung tâm đẩy mạnh triển khai. Để thông suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành cũng như bảo đảm tiến độ, hiệu quả công tác, các nhóm zalo giữa lãnh đạo, các phòng chuyên môn, giữa cán bộ kỹ thuật và các hộ tham mô hình đã được tạo ra để nắm bắt, trao đổi công việc. Ngoài ra, thay vì họp trực tiếp thì Trung tâm đã tổ chức các cuộc họp giao ban trực tuyến trên phần mềm zoom để triển khai công việc hàng tuần và chỉ đạo xử lý công việc phát sinh đột xuất. Nhờ đó, công tác khuyến nông năm vừa qua cơ bản đã đạt được nhiệm vụ đặt ra.

Năm 2022, trước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, Trung tâm sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đổi mới công tác khuyến nông với nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, công tác khuyến nông năm 2022 sẽ tiếp tục tập trung triển khai các mô hình trình diễn giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nâng cao giá trị sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Công tác khuyến nông năm 2022 và những năm tiếp theo hướng tới mục tiêu không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển bền vững.

Với những giải pháp trọng tâm, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông Thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ dô theo hướng tập trung, tiến tiến, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới; từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập thế giới./.

                                                                                                                                         Lưu Phượng