Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ, loại thịt mà sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật và enzyme, khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Nafiqad) ước tính, có đến 90% lượng thịt lợn bán trên thị trường nội địa hằng ngày là thịt nóng. Đơn vị này đã được cơ quan chức năng giao là đơn vị chủ trì xây dựng tiêu chuẩn thịt lợn mát của Việt Nam.
Mới đây, sau nhiều lần đưa ra dự thảo góp ý, chỉnh sửa, lấy ý kiến lần cuối về góp ý đối với tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát, Nafiqad đã gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định công bố.
Cụ thể, thịt mát theo tiêu chuẩn Việt Nam là thân thịt ngay sau khi giết mổ được qua quy trình làm mát để hạ nhiệt độ tâm thịt đến nhiệt độ từ 0 độ C đến 4 độ C trong một thời gian nhất định (khoảng 16 giờ đến 24 giờ) để cho trạng thái của thịt chuyển sang giai đoạn chín sinh hóa (Aging), sau đó mới được đem đi pha lọc. Toàn bộ quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phối sản phẩm thịt mát đều bảo đảm ở điều kiện nhiệt độ từ 0 độ C đến 4 độ C.
Đại diện Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp & PTNT nhấn mạnh, lợn nguyên liệu theo Tiêu chuẩn Việt Nam dành cho thịt mát được yêu cầu phải có nguồn gốc rõ ràng, do cơ quan kiểm tra thú y xác nhận./.
TT (nguồn HNM)