Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cổ Đô xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

Là thôn được huyện Ba Vì chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, mấy năm trở lại đây, cán bộ, nhân dân thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đã cùng chung tay để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.



 Là thôn lớn nhất xã Cổ Đô, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, nhân dân luôn nỗ lực để xây dựng quê hương ngày một phát triển. Trong nhiều năm qua, thôn Cổ Đô đã vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng thôn phát triển toàn diện. Ông Nguyễn Ngọc Nho, Trưởng thôn Cổ Đô cho biết “Để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, thôn luôn xác định lấy dân làm gốc, mọi việc đều phải minh bạch, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Để làm tốt việc này, Chi bộ, các đoàn thể trong thôn luôn làm tốt công tác tuyên truyền về mọi việc, để nhân dân được bàn, được biết, cùng thực hiện. Bên cạnh đó, thôn Cổ Đô luôn phát huy vai trò của các trưởng, phó xóm để cùng với lãnh đạo thôn triển khai Nghị quyết của Đảng ủy, Chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Phát huy vai trò của các dòng họ, các hội đồng hương xa quê. Từ nhiều biện pháp đồng bộ như vậy mà khu dân cư kiểu mẫu ở Cổ Đô đã được hình thành, ngày một phát triển.

Đầu tiên phải kể đến công trình Cổng làng thôn. Cổng làng thôn biểu tượng cho làng quê có nề nếp, định danh một vùng quê, để xây dựng cổng làng thôn, trước tiên là phải vận động các hộ dân có đất vào cổng làng. Đường vào cổng làng trước đây rộng chỉ khoảng 7 m nay muốn mở rộng lên 12 m thì phải tiến hành vận động nhân dân cùng chung sức hiến đất làm đường. Cái khó của việc vận động này, đây là đất 5%. Nhưng với phương pháp vận động mưa dầm thấm lâu vì mục đích xây dựng quê hương, cán bộ thôn đã vận động được 40 hộ hiến đất, diện tích hiến là 400 m2. Việc xây cổng làng được lãnh đạo thôn huy động các nguồn xã hội hóa, mỗi hộ chỉ đóng góp là 100 nghìn đồng, tổng cổng làng làm trị giá là 750 triệu đồng. Việc làm thứ hai mà Cổ Đô làm được trong thời gian qua là vận động nhân dân ủng hộ khoảng 1 tỷ đồng để mua sắm nội thất Đình làng Cổ Đô. Đây là công trình mà Nhà nước đã đầu tư 19 tỷ đồng trùng tu, xây dựng Đình.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, trong đó có hệ thống loa truyền thanh ở thôn, vì vậy, lãnh đạo thôn đã họp triển khai việc nâng cấp lại hệ thống loa này. Với các nguồn ủng hộ tiếp theo, hệ thống truyền thanh được đầu tư khoảng 100 triệu đồng đã đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhân dân, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định ở địa phương được truyền tải kịp thời đến nhân dân, từ đó thực hiện mục tiêu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Điểm nổi bật ở Cổ Đô trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu còn phải kể đến việc nhân dân ở hai xóm cơ sở 1, cơ sở 2 đã tự nguyện đóng góp để mở rộng khuôn viên nhà Văn hóa xóm, với số tiền là hơn 100 triệu đồng. 

Đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, phong trào văn hóa, văn nghệ ở thôn luôn được đẩy mạnh, hiện nay thôn đã có một Đội trống, với 30 người trong đội, thôn đã mua 15 trống, số tiền là khoảng 50 triệu đồng để từ đó mỗi dịp lễ hội, dịp tết, dịp hội hè, đội trống lại phục vụ nhân dân. Duy trì các câu lạc bộ dưỡng sinh, bóng bàn. Việc vệ sinh môi trường được thôn triển khai nơi công cộng vào sáng thứ 7, tuần đầu của tháng, các xóm tự vận động nhân dân vệ sinh nơi công cộng. Sáng thứ 7 nhân dân ở mỗi xóm ngõ tự vệ sinh. Đoạn đường nở hoa cũng được trồng ở Cổ Đô, góp phần làm cho quê hương ngày một xanh-sạch-đẹp.

Điều đáng quý nữa ở Cổ Đô là sau nhiều năm, các triển lãm tranh của những họa sỹ ở Cổ Đô đã được mở, từ đó thu hút nhiều du khách đến với làng quê Cổ Đô, tạo động lực để cho làng họa sỹ ngày một phát triển trong tương lai. Trong năm 2020 này, thôn Cổ Đô sẽ cố gắng phấn đấu đánh số nhà, treo cờ Tổ quốc ở các hộ trong thôn, tiếp tục phát triển để xây dựng du lịch cộng đồng tại quê hương. 

Có thể nói, với sự quyết tâm, đồng thuận cao, Cổ Đô đang xây dựng thành công khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển trên quê hương./.

Hồng Đạt (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì)