Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã thực hiện việc cơ cấu lại nông nghiệp thủ đô gắn với xây dựng nông thôn mới trên các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.



Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”, ước tính đến hết năm 2020, số lượng HTX nông nghiệp đang hoạt động trên toàn Thành phố Hà Nội là 1.225 hợp tác xã, trong đó có 43 HTX thành lập mới, thu hút hơn 300 số hộ dân tham gia, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Số lao động trong hợp tác xã khoảng 33,4 nghìn người, các loại hình dịch vụ hiện nay của HTX gồm cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc BVTV, thủy lợi, tiêu thụ sản sản phẩm, vệ sinh môi trường, chế biến nông lâm sản, làm đất. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp là 26 triệu đồng/năm, tăng 6 triệu đồng/năm so với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên tại thời điểm năm 2017; doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp đạt 1.732 triệu đồng/năm, tăng 474 triệu đồng/năm so với thời điểm năm 2017.

Về phát triển kinh tế trang trại, dự kiến đến hết năm 2020, Thành phố Hà Nội có 1.816 trang trại, trong đó có 1.556 trang trại chăn nuôi, 125 trang trại thủy sản và 111 trang trại tổng hợp, 1 trang trại lâm nghiệp, còn lại là trang trại trồng trọt. Số lao động làm việc bình quân trong các trang trại là 5 người. Tổng vốn đầu tư của 1 trang trại trung bình từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, có những trang trại vốn đầu tư lớn trên 10 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa dịch vụ của các trang trại mang lại khoảng trên 3.269 tỷ đồng.

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm thủy sản (tăng 26 chuỗi so với năm 2017), trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi và đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Thí điểm cấp 8 giấy xác nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn Thành phố và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Các chuỗi với 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ và được phân phối tại 110 siêu thị, trên 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố. Mỗi ngày các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn.

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; Thành phố ban hành 3 bộ thủ tục hành chính: công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống”; định mức hỗ trợ kinh phí khi công nhận danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống” Hà Nội và thành lập Hội đồng, Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống”.

Thời gian qua, Thành phố đã hỗ trợ cho 36 làng nghề truyền thống xây dựng thương hiệu và dự kiến trong năm 2020 có 8 làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 8 làng nghề được hỗ trợ đánh giá tác động môi trường, hiện nay còn 273 làng nghề chưa được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và 309 làng nghề, làng nghề truyền thống chưa được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Về triển khai xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Hà Nội có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Thẩm tra Thành phố đã tiến hành thẩm định thị xã Sơn Tây đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Đến hết năm 2019, toàn Thành phố Hà Nội có 353/382 xã (chiếm 92,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 59 xã so với năm 2017; 11 xã đã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kế hoạch năm 2020 có thêm 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong số 27 xã còn lại, có 20 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 7 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm, tăng 13,5 triệu đồng/người so với năm 2017 (dự kiến năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm tăng 17 triệu đồng/người so với năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69% năm 2019 và dự kiến xuống 0,5% vào năm 2020.

Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020, theo kế hoạch đề ra đến năm 2020, Thành phố sẽ đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1000 sản phẩm. Trong năm 2019, đã tổ chức đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó có 06 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao, đạt 100,3% kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch năm 2020 sẽ đánh giá, phân hạng 700 sản phẩm.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 Hà Nội có 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2030 Thành phố có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu đến thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2025 và đạt 80 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2030; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt trên 95% vào năm 2025 và đạt trên 98% vào năm 2030; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới) vào năm 2025 và còn dưới 0,5% (theo tiêu chí mới) vào năm 2030./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ