Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản

Ngày 30/8/2020, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội.



Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản thành phố Hà Nội có đủ năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với trình độ công nghệ từ trung bình, tiên tiến trở lên, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản.

Mục tiêu cụ thể năm 2020, tốc độ tăng giá trị nông lâm thủy sản gắn với phát triển thị trường góp phần tạo tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2020 bình quân đạt 2,5 – 3,0% trở lên, hình thành thêm từ 01 – 02 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung theo quy hoạch gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh; Tăng từ 20% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đảm bảo đúng quy định an toàn thực phẩm…

Định hướng đến năm 2030 tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7 – 8%/năm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến hiện đại và các cơ sở sơ chế, chế biến rau, củ, quả và các sản phẩm chế biến từ thịt, trứng, sữa được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

100% sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, thực phẩm chế biến sử dụng mã QR trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia. Phát triển 01 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực chế biến, chế biến sâu nông lâm thủy sản có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh kinh tế. Xây dựng trung tâm cung ứng, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, chợ đầu mối nông sản mang tầm quốc tế; Hỗ trợ kết nối cung cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu các sản phẩm chế biến đặc sản địa phương.

Kế hoạch đưa ra những định hướng đối với các ngành hàng chế biến sản phẩm trồng trọt, ngành hàng lúa gạo tổ chức sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng gạo, tỷ lệ gạo thu hồi trong xay xát đạt trên 70%, khuyến khích đầu tư phát triển vùng trồng lúa tập trung, giống chất lượng cao.

Đối với ngành hàng rau, quả củng cố phát triển các vùng chuyên canh tập trung sản xuất rau, quả an toàn, áp dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, kết nối cung cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho sản phẩm rau, quả chủ lực, đặc sản địa phương Hà Nội…

Đối với cây chè thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với doanh nghiệp, nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu, đến bao tiêu sản phẩm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến…

Định hướng cho ngành hàng chế biến sản phẩm chăn nuôi; Ngành hàng chế biến sản phẩm thủy sản, ngành hàng chế biến gỗ, phát triển làng nghề.

Kế hoạch cũng đưa ra các giải pháp thực hiện chủ yếu tập trung vào tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản; Khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; Nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Sở NN&PTNT chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường ngành nông nghiệp theo đúng quy định. Xây dựng kế hoạch chi tiết và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch đề ra; theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định.

Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản phục vụ công tác tái cơ cấu lại lĩnh vực chế biến ngành nông nghiệp đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch của các đơn vị, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Các Sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu lại lĩnh vực chế biến ngành nông nghiệp theo quy định.

Đặng Diện (tổng hợp)