Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND phê duyệt chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.



Chương trình đưa ra tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính quyền Thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo. Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

Theo đó, Thành phố xác định các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản,...

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Hình thành Mạng nông nghiệp Hà Nội thông minh cho phép kết nối các cơ sở sản xuất nông nghiệp lớn nhỏ, các cơ sở của hệ thống khuyến nông với khách hàng là cư dân Thủ đô, với các trung tâm thương mại, các nhà hàng, khách sạn... làm cơ sở cho việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm nông sản sạch, giúp nông dân và các cơ sở sản xuất nông sản sạch tiêu thụ sản phẩm của mình đồng thời giúp đảm bảo thực phẩm sạch đến với người dân. Đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp.

Hình thành Hệ tri thức nông nghiệp tập hợp tri thức của các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ sở sản xuất nông nghiệp cho đến cộng đồng nông dân chia sẻ, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của mình vào “kho tri thức” chung, đồng thời làm cơ sở để mỗi người sản xuất nông nghiệp có thể khai thác kho tri thức này trong công việc sản xuất hàng ngày của mình. Các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tốt có trong Hệ tri thức nông nghiệp được cập nhật thường xuyên bởi các cơ quan chính quyền, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp và bởi chính những người tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời phát triển Bản đồ nông nghiệp Thành phố, thể hiện cả các nội dung hiện trạng cũng như quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn.

Triển khai thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” tại một số Huyện như: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Phú Xuyên với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ,...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, từng bước nhân rộng đến các huyện còn lại của Thành phố./.

TX (TH)