Diện mạo nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giai đoạn 2016 - 2020.
Chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt từ Thành phố đến cơ sở
Để thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016, Thành ủy Hà Nội đã thành lập BCĐ Chương trình do đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban. Tiếp đó, BCĐ Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan; tổ chức họp giao ban định kỳ (quý/lần) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra.
Song song với chỉ đạo của BCĐ Chương trình 02 của Thành ủy, HĐND Thành phố, UBND Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, tạo điều kiện để các địa phương thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các sở, ban, ngành Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn công tác quy hoạch NTM; hướng dẫn công tác dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn thiết kế điển hình về giao thông, thủy lợi, nội đồng; hướng dẫn chấm điểm các tiêu chí đạt chuẩn NTM…, tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã triển khai thực hiện ở cơ sở.
Để nắm bắt được tình hình thực hiện Chương trình, trong quá trình tổ chức thực hiện, BCĐ Chương trình của Thành ủy đã tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực hiện, đồng thời, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, như: Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (12/5/2016); Sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy (17/01/2017); Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy (ngày 30/6/2018)… Qua các cuộc giao ban, sơ kết, tổng kết BCĐ đã đưa ra các chỉ đạo, các giải pháp khắc phục khó khăn và đôn đốc các đơn vị thực hiện Chương trình.
Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao
Từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2020, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình là 56.512,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng; ngân sách Thành phố là 20.911,2 tỷ đồng; ngân sách huyện là 29.275,45 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 4.812,6 tỷ đồng; trong đó, đóng góp của nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng,...) là 1.976,6 tỷ đồng... Ngoài ra, Thành phố đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.
Thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, Thành phố đã sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của Thành phố. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, giúp cho nền sản xuất nông nghiệp của Thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Nhờ đó, sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng và phát triển ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015.
Bên cạnh đó, Thành phố đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trang trại Hoa Viên (Thạch Thất) hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm; Mô hình sản xuất giống và Hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Mô hình áp dụng thâm canh lúa cải tiến toàn phần; Mô hình gieo cấy 2.300ha lúa Japonica tại huyện Ứng Hòa... Các mô hình đã trở thành động lực của vùng, giúp nông dân có hướng đi mới trong sản xuất.
Với việc nâng cao chất lượng phát triển nên nông nghiệp đã làm cho đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hết năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm (đến hết năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm), các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng, Đông Anh 60 triệu đồng, Hoài Đức 55 triệu đồng, Đan Phượng 53,8 triệu đồng...
Mặt khác, để đẩy nhanh quá trình xây dựng xã NTM, huyện NTM các cấp đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay, 381 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giao thông. 100% số xã đạt tiêu chí về điện, hệ thống lưới điện đã được tăng cường đầu tư cải tạo nâng cấp, cơ bản đảm bảo cung cấp điện an toàn, đáp ứng nhu cầu cấp điện sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các trường học được xây dựng bảo đảm cơ sở vật chất, mạng lưới, quy mô trường lớp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên toàn Thành phố, chất lượng giáo dục đào tạo phát triển rõ nét...
Qua đánh giá, toàn Thành phố có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 368/382 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 96,3%), 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 03 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí/xã đạt 18,82 tiêu chí.
Với sự nỗ lực của các cấp, đến nay, Thành phố có 06 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng Trung ương thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Các huyện Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương; đến nay, huyện Thạch Thất, Thường Tín đã được Đoàn Thẩm định Trung ương tiến hành thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Huyện Thanh Oai đã được Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG thành phố Hà Nội bỏ phiếu đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được Đoàn Thẩm tra Thành phố thẩm tra đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG thành phố Hà Nội bỏ phiếu xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Những kết quả này cũng sẽ là tiền đề, động lực để Chương trình xây dựng NTM tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới. /.
Theo Cổng GTĐT Hà Nội