Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chương Mỹ dẫn đầu về thực hiện chương trình OCOP

Trong năm 2023, huyện Chương Mỹ đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 40 sản phẩm tham gia chương trình OCOP huyện, kết quả có 26 sản phẩm 3 sao, 12 sản phẩm 4 sao. Với kết quả này, huyện Chương Mỹ đang dẫn đầu thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình OCOP.



Trong những năm qua, huyện Chương Mỹ đã khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết quả từ năm 2019 đến 2023, huyện Chương Mỹ có 178 sản phẩm của 37 chủ thể được phân hạng từ 3 sao trở lên. Năm 2024, huyện phấn đấu có từ 20 - 30 sản phẩm OCOP được đánh giá, chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Để thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2023, hàng năm UBND huyện Chương Mỹ đều ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình; Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia chương trình trên địa bàn, thành lập Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện để tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia.

Đồng thời huyện cũng tạo điều kiện, khuyến khích cho các đơn vị, cơ sở tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Từ năm 2019 đến nay, huyện Chương Mỹ đã bố trí kinh phí hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm đề nghị tham gia đánh giá phân hạng trên địa bàn huyện, hỗ trợ 183 hồ sơ của các chủ thể tham gia chương trình. Bên cạnh đó huyện cũng đã hỗ trợ các chủ thể dán tem truy xuất nguồn gốc, tham gia các hội chợ, hội thảo, xúc tiến thương mại,...; phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố tổ chức các lớp tập huấn về Chương trình OCOP cho đối tượng là cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện, với khoảng trên 300 lượt cán bộ quản lý cấp xã, huyện và gần 100 chủ thể trên địa bàn huyện.

Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện chương trình OCOP, từ năm 2019 đến 2023, huyện có 21 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP với 178 sản phẩm của 37 chủ thể được phân hạng cấp sao từ 3 sao trở lên. Riêng trong năm 2023, huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 40 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP huyện, kết quả có 26 sản phẩm 3 sao, 12 sản phẩm 4 sao. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, với kết quả này, Chương Mỹ đang dẫn đầu thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình OCOP.

Trong năm 2024, Chương Mỹ sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP trên địa bàn huyện theo đúng quy định; phấn đấu có khoảng 20-30 sản phẩm OCOP được đánh giá, chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; rà soát, đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định. Đồng thời nâng cấp chất lượng sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP và được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. 100% chủ thể được bồi dưỡng, tập huấn về OCOP. 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.

Đối với công tác phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP, theo kế hoạch huyện sẽ tổ chức hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện phát triển sản phẩm mới (sản phẩm từ ý tưởng), phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương. Khuyến khích các chủ thể là hợp tác xã và doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thúc đẩy các phong trào phụ nữ, nông dân, thanh niên khởi nghiệp, khuyến khích thanh niên, phụ nữ, nông dân, trí thức trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, các chủ thể đã có sản phẩm tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Khuyến khích triển khai mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyến thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP. Đồng thời, tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Chuẩn hóa các sản phẩm hiện có, sản phẩm đặc sản, tiêu biểu, lợi thế, đặc thù và chủ lực của địa phương.

UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện tổ chức triển khai Chương trình OCOP tại địa phương; thông báo công khai trên địa bàn về việc đăng ký các sản phẩm tham gia, đánh giá phân hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bố trí cán bộ tham mưu triển khai thực hiện chương trình OCOP, tiếp nhận hồ sơ sản phẩm từ chủ thể. Xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tập trung chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm… đảm bảo thị hiếu và nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mở rộng quy mô và sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ động tham gia chương trình OCOP, tạo các sản phẩm tiêu biểu của địa phương góp phần thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế. Tổ chức tuyên truyền các chính sách hỗ trợ liên quan đến chương trình OCOP đến toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn; tổ chức đánh giá sản phẩm cấp xã để chọn sản phẩm thi đánh giá và phân hạng cấp huyện.

Riêng đối với 11 xã, thị trấn chưa có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là: thị trấn Xuân Mai, các xã: Ngọc Hòa, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hợp Đồng, Thanh Bình, Đông Phương Yên, Thượng Vực, Tốt Động, Tân Tiến, Văn Võ sẽ tập trung rà soát, lựa chọn sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của xã để tham gia đánh giá, phân hạng năm 2024./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)