Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động theo dõi, rà soát châu chấu hại tre nứa và cây nông nghiệp

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội vừa ban hành văn bản số 1862/SNN-TTBVTV gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc chủ động theo dõi, rà soát châu chấu hại tre nứa và cây nông nghiệp.



Theo đó, châu chấu tre lưng vàng và một số loài châu chấu hại tre khác (gọi chung là châu chấu tre) thuộc nhóm châu chấu đàn, khi trưởng thành chúng có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn, di cư tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng. Đây là loài sinh vật gây hại có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát. Để chủ động theo dõi diễn biến tình hình phát sinh, gây hại của châu chấu hại tre nứa và cây nông nghiệp trên địa bàn, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị:

UBND các quận, huyện, thị xã: Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và theo dõi diễn biến châu chấu tre, kịp thời thông báo cho cơ quan chuyên môn về sự xuất hiện và gây hại (nếu có) của châu chấu tre để chủ động các biện pháp phòng trừ kịp thời; Chú ý địa bàn giáp ranh các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình; Tổ chức khoanh vùng, phòng trừ kịp thời, không để châu chấu tre phát sinh, lây lan, gây hại trên diện rộng; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan thực hiện tốt các nội dung theo quyết định 02/QĐ-UBND ngày 02/01/2024 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế phối hợp về công tác trồng trọt, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; khuyến nông; chăn nuôi, thủy sản và thú y giữa Sở Nông nghiệp & PTNT với UBND các quận huyện thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Làm đầu mối tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong phòng, chống châu chấu tre; Tăng cường nắm bắt thông tin nguồn châu chấu tre tại các địa bàn giáp ranh để cảnh báo nguy cơ châu chấu di chuyển vào địa bàn Thành phố; Phối hợp với các địa phương có nguy cơ cao rà soát, kiểm tra tình hình thực tế để có biện pháp hướng dẫn phòng trừ kịp thời; Phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường điều tra, phát hiện, dự tính dự báo và khoanh vùng để đề xuất các giải pháp phòng trừ kịp thời; Tăng cường kiểm tra việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sử dụng thuốc cấm, thuốc không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; thuốc kém chất lượng.

Chi cục Kiểm Lâm: Chủ động cử cán bộ phối hợp với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, các đơn vị chuyên môn thuộc huyện trong công tác điều tra, phát hiện, nắm bắt thông tin, theo dõi diễn biến châu chấu tre hại cây lâm nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ tính chất, mức độ gây hại đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phòng chống châu chấu tre.

Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Trung tâm Khuyến nông: Tăng cường công tác tuyên truyền về đặc điểm nhận biết, tác hại và các biện pháp phòng trừ châu chấu tre an toàn, hiệu quả./.

TX (TH)