Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động phòng chống nắng, nóng,dịch bệnh cho vật nuôi và thủy sản

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm nay sẽ tiếp tục là năm có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa hè, nhiệt độ có thời điểm lên đến 37 - 40oC.



Mức nhiệt độ này kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi và thủy sản, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất cao, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Để chủ động phòng, chống nắng nóng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra đối với gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố trong mùa hè 2020. Trung tâm Khuyến nông đề nghị trạm Khuyến nông các huyện, thị xã triển khai một số nội dung sau:

  1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
  2. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trong mùa hè:
  3. a) Đối với chăn nuôi:

- Chuồng trại: Lắp đặt và vận hành hệ thống làm mát chuồng trại như quạt gió, giàn phun mưa trên mái hoặc trồng một số loại dây leo phủ mái, … làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên thu gom phân, các chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo độ thông thoáng chuồng nuôi;

- Giảm mật độ, giãn chu kỳ nuôi cho phù hợp với từng loại gia súc, gia cầm trong mùa hè nắng nóng;

- Thường xuyên cung cấp đủ nước sạch, bổ sung các loại vitamin, chất điện giải pha vào nước cho gia súc, gia cầm uống; tăng cường thức ăn giàu đạm, tăng thức ăn thô xanh, giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần ăn. Những đợt nắng nóng kéo dài, nên chuyển thời gian cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát;

- Đối với gia súc (trâu, bò, lợn): cần tắm mát cho gia súc trong những ngày nắng nóng. Trâu, bò chỉ chăn thả vào buổi sáng sớm, buổi chiều mát hoặc những ngày nhiệt độ dưới 350C;

- Đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, chủ động nguồn cung cấp điện, nước để đảm bảo phục vụ sản xuất;

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

  1. b) Đối với thủy sản:

- Duy trì mực nước ao nuôi từ 1,5-2m nước trong suốt mùa hè, đồng thời thả 1/3 diện tích bèo dâu, bèo tấm….để tạo bóng mát cho cá và hấp thu kim loại nặng;

- Tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm, bơm ngược lại ao. Những nơi có điều kiện thay nước thì thay 15-20% lượng nước cũ bằng nước mới vào ao dưới dạng phun mưa;

- Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học như Bio Water, Zeo Bacillus; Bio DW…giúp làm sạch đáy ao nuôi, ổn định môi trường, màu nước ao nuôi, hạn chế việc thay nước thường xuyên;

- Nâng cao sức đề kháng cho thủy sản bằng cách: sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn; giảm lượng thức ăn từ 30 - 40% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa trong những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 35OC;

- Đảm bảo mật độ nuôi hợp lý, nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, tránh nguồn nước thải sinh hoạt. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra ao nuôi, theo dõi thuỷ sản, nếu có hiện tượng bất thường cần có biện pháp xử lý kịp thời./.

TTKN Hà Nội