Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động các biện pháp chống nắng, nóng, lụt, bão và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, mùa hè 2021 dự báo có nắng, nóng như năm 2020 và có thể có mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng, lũ lụt ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, tình hình bệnh truyền nhiễm trên gia súc như: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trên bò... vẫn có nguy cơ bùng phát trên toàn Thành Phố, nhất là các khu vực có ổ dịch cũ...



Để hạn chế thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi, bà con cần chú ý các điều kiện như sau:

  1. Đối với chăn nuôi lợn

- Chuồng trại cần được làm mát, có hệ thống làm mát, phun nước, thông gió. Xung quanh chuồng trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng nuôi nên có phên che chống nắng xung quanh, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Vệ sinh chuồng nuôi, thu gom phân vào hố chứa phân, có thể dùng một số loại chế phẩm sinh học để hỗ trợ chăn nuôi, giúp xử lý phân chuồng và làm sạch môi trường chăn nuôi, không cho dịch bệnh có điều kiện phát sinh.

- Cho lợn uống đầy đủ nước sạch,  bổ sung B-complex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng… để lợn có miễn dịch phòng bệnh. Phòng chống bệnh viêm phổi lợn trong mùa hè. Bà con cần chú ý các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi để diệt trừ mầm mống của dịch bệnh.

  1. Đối với chăn nuôi gia cầm

- Thiết kế để nhiệt độ chuồng nuôi có thể giảm được 5 - 7oC so với nhiệt độ bên ngoài. Cần giữ chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, lợp mái ngói hoặc mái lá cọ để chuồng mát, tránh nóng. Có phên che chống nắng xung quanh, những ngày nhiệt độ cao có thể phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt.

- Cho gà ăn lúc trời sớm, trời mát để gà ăn được nhiều hơn. Giảm mật độ nuôi để giảm nhiệt độ trong chuồng gà. Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Ngoài ra cũng cần cung cấp nước sạch cho đàn gà uống tự do. Với những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi gia cầm quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, bổ sung thêm rau xanh. Cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vắc xin: Newcastle, cúm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập.

  1. Đối với trâu, bò, dê

- Xung quanh chuồng trại nên trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng nuôi nên có phên che chống nắng. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thông thoáng. Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thu gom phân, thực hiện ủ phân sinh học. Trồng nhiều cây xanh, che chắn xung quanh để có nhiều bóng mát. 

- Cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gram muối ăn để đảm bảo sức khoẻ, tăng khả năng chống nóng, chống bệnh tật. Tăng cường chăm sóc gia súc có chửa và gia súc non bởi thời tiết nắng nóng sức đề kháng của chúng cũng xuống thấp. Nên định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng các chế phẩm sinh học, các loại vắc xin./.

Vương Thị Chung - Trạm Khuyến nông Thạch Thất