Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăn nuôi dần khởi sắc sau dịch tả lợn châu Phi

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng ngành chăn nuôi Thủ đô sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi đến nay đã dần khởi sắc. Trong 3 tháng đầu năm đã tái đàn khoảng hơn 400 nghìn con lợn, nâng tổng đàn lợn của Hà Nội hiện nay lên đến khoảng 1,3-1,4 triệu con; chăn nuôi gia cầm cũng phát triển mạnh.



Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, nhìn chung tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Tính từ Tết đến giờ Hà Nội xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm tại 7 xã thuộc hai huyện Mê Linh và Chương Mỹ, đã phải tiêu hủy xấp xỉ 19 nghìn con. Nhưng ngay sau đó Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp để khống chế, ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng mặc dù cũng không tránh khỏi việc xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhất là đối với vịt thương phẩm người dân vẫn chưa thực hiện tốt công tác  tiêm phòng dịch. Nhưng đến nay cơ bản đã khống chế được. Bên cạnh đó đối với đàn trâu, bò Thành phố cũng đã quyết liệt đẩy mạnh việc tiêm phòng dịch, đến nay chưa xảy ra ổ dịch nào. Dịch tả lợn châu Phi cũng đã công bố hết dịch.

Song song với việc kiên quyết khoanh vùng, dập dịch, người chăn nuôi vẫn đang tích cực tái đàn và vấn đề này được Thành phố chỉ đạo rất quyết liệt. Các hộ chỉ được tái đàn khi đủ điều kiện qua 30 ngày dịch tả lợn châu Phi; đảm bảo vệ sinh cơ giới, sát trùng… chuồng trại mới được tái đàn. Quan trọng nhất là phải khai báo với chính quyền địa phương. Nếu không khai báo thì khi xảy ra dịch bệnh sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu có lợn chết trong diện được hỗ trợ cũng sẽ không hỗ trợ, đó là sự cương quyết của Hà Nội, xử lý các hộ vi phạm không khai báo, không tổ chức tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Trong 3 tháng đầu năm Hà Nội cũng đã tái đàn khoảng hơn 400 nghìn con lợn, nên tổng đàn lợn của Thành phố hiện lên tới khoảng 1,3-1,4 triệu con, trước có dịch là khoảng 1,9 triệu con, sau dịch mất khoảng 30% còn trên dưới 1 triệu. Đàn lợn đã được triển khai tiêm phòng và thực hiện tốt tổng tẩy uế môi trường nên cơ bản không xảy ra các dịch lở mồm long móng, tai xanh… hay dịch tả lợn châu Phi tái phát.

Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi gia cầm tăng tương đối mạnh, từ Tết đến nay đàn gia cầm lên đến khoảng 3,3-3,6 triệu con nên đã bù đắp được thời gian trước, trong và sau Tết.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người chăn nuôi đã ý thức được phòng chống dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm và hạn chế được đi lại. Tuy nhiên dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng phần nào đến biến động thị trường như sau hôm 6/3 Hà Nội có ca dịch Covid-19 đầu tiên, ngay ngày hôm sau giá cả tăng vọt. Giá thịt lợn tăng cao như sáng ngày 7/3 lên đến 120.000-130.000 đồng/kg; các cơ sở giết mổ bình quân như Vạn Phúc bình quân một ngày giết mổ khoảng 1,1 nghìn- 1,3 nghìn con nhưng sau khi Hà Nội có dịch Covid-19 đã tăng lên 2,2- 2,3 nghìn con. Ngay sau đó, Chính phủ và Thành phố đã đưa ra các giải pháp hiệu quả, đặc biệt là truyền thông bình ổn giá, đến nay đã đáp ứng được nhu cầu bình thường.

Tuy nhiên, nếu dịch này kéo dài thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng vì giá cả tăng cao, đơn vị nhập khẩu gặp khó khăn và cũng chưa thể tính hết được mức độ nghiêm trọng như thế nào./.

NT (Theo Chinhphu.vn)