Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Campuchia lọt "top 5" nước xuất khẩu gạo hữu cơ sang EU

Campuchia đã trở thành nhà xuất khẩu gạo hữu cơ lớn thứ năm sang châu Âu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu loại gạo giá trị cao này sẽ còn tăng.



Theo các chuyên gia thị trường, nhu cầu gạo hữu cơ ở châu Âu (EU) cũng như các thị trường trọng điểm khác như Mỹ, Australia và Trung Quốc đang tiếp tục tăng cao do người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về môi trường và coi trọng sức khỏe.

Các số liệu thống kê từ EU cho thấy, Campuchia đã xuất khẩu 8.467 tấn gạo hữu cơ vào khối này trong năm 2018, chiếm 3,9% thị phần gạo hữu cơ nhập khẩu của EU.

Hiện Mỹ vẫn là nước xuất khẩu gạo hữu cơ lớn nhất sang EU, chiếm gần 70% phân khúc. Tiếp đến là Pakistan và Ấn Độ, với tỷ lệ lần lượt là 10% và 9%. Thái Lan đứng ở vị trí thứ tư với 4,9% thị phần, tương đương 10.522 tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Campuchia cho hay, lượng gạo hữu cơ sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu đã tăng mạnh trong năm nay. Tiêu biểu là công ty lương thực quốc gia Amru, với số lượng gạo hữu cơ xuất khẩu chiếm tới 90%.

Ông Kann Kunthy, phó chủ tịch Amru cho biết, công ty đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu với khoảng 5.000 nông dân và năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu 20.000 tấn gạo hữu cơ, trong đó 80%- 90% là thị trường EU.

Tổng giám đốc công ty Signature of Asia, ông Chan Pich cho biết, năm ngoái doanh nghiệp của ông đã xuất 1.500 tấn gạo hữu cơ sang EU. Ông Pich cũng dự báo, nhu cầu gạo hữu cơ tại EU tăng hàng năm khoảng 15%. “Gạo hữu cơ của Campuchia được ưa chuộng ở EU vì chất lượng tốt và khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Giá gạo thơm Jasmine hữu cơ được bán 1.500 USD/tấn, trong khi gạo trắng hạt dài hữu cơ là 950 USD/tấn”, ông Pich nói.

Theo Hiệp hội lúa gạo Campuchia, năm ngoái nước này đã xuất khẩu tổng cộng 626.225 tấn gạo các loại, giảm 1,5% so với năm 2017. Theo đó, các doanh nghiệp đặt trong tâm xuất khẩu ba loại gạo: gạo thơm (493.597 tấn), gạo trắng hạt dài (105.990 tấn và gạo đồ hạt dài (26.638 tấn)./.

TX (TheoBáo NNVN)