Phú Xuyên có diện tích đất nông nghiệp lớn, toàn huyện hiện có hơn 50 ha rau màu đang vào vụ thu hoạch. Để các vùng rau sản xuất và tiêu thụ ổn định, thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, mỗi vùng rau chuyên canh trên địa bàn được huyện chỉ đạo thiết lập một “luồng xanh” bằng cách bố trí cho lượng người nhất định vận chuyển rau đi tiêu thụ theo ngày. Những người này đều được kiểm tra dịch tễ, khai báo y tế, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng dịch. Cùng với đó, huyện đã ban hành văn bản gửi Sở Công Thương Hà Nội đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đưa nông sản tới các địa điểm bán hàng lưu động phục vụ người tiêu dùng; chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên ký biên bản ghi nhớ với Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm trong việc giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo các ngành liên quan và các xã, thị trấn tạo điều kiện cho một số hợp tác xã thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh ở xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ nông sản. Thời điểm hiện tại, đơn vị đã liên kết với 30 hợp tác xã trên địa bàn thành phố để sản xuất các mặt hàng thực phẩm; hợp tác trong mô hình “chợ thực phẩm di động”, cung cấp sản phẩm đến các chung cư, khu đô thị... Hợp tác xã đang tiếp tục phối hợp với các địa phương trong huyện hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, với quy mô vùng trồng rau gần 200 ha, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện về thông quan cho xe chuyên chở rau an toàn từ xã Tráng Việt vào nội thành Hà Nội. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, ổn định giá bán sản phẩm rau an toàn, giúp nông dân yên tâm duy trì sản xuất. Hiện, trung bình mỗi ngày, vựa rau Đông Cao cung ứng hơn 15 tấn rau các loại cho thị trường Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) Tô Văn Định cho hay, hợp tác xã vừa thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, vừa sản xuất rau an toàn. Tranh thủ thời gian này, Hợp tác xã Sơn Du còn thí điểm xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ an toàn sinh học trên diện tích 2,5ha, hướng tới phân khúc thị trường tiêu thụ cao cấp, nâng cao giá trị nông sản của hợp tác xã.
Tại vùng rau Văn Đức (huyện Gia Lâm), Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, việc sản xuất và tiêu thụ rau của người dân diễn ra thuận lợi. Các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chợ đầu mối phía Nam hoạt động trở lại giúp lượng rau được tiêu thụ tốt. Các hộ dân trong hợp tác xã cũng đang đẩy mạnh việc sản xuất các giống rau ngắn ngày, bảo đảm nguồn cung liên tục. Bên cạnh đó, một số diện tích đã làm đất sẵn sàng xuống giống rau cho vụ thu và vụ đông sắp tới.
"Hiện tại, chỉ còn một bất cập là việc vận chuyển rau của người dân diễn ra liên tục, trong khi mỗi lần di chuyển đều phải tiến hành test nhanh Covid-19 nên chi phí khá tốn kém. Nếu được hỗ trợ test nhanh Covid-19 miễn phí, người trồng rau sẽ giảm bớt được một phần gánh nặng, việc đưa rau đi tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Văn Minh nói.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, toàn thành phố hiện có hơn 5.000 ha sản xuất rau an toàn, trong đó có 45 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích hơn 1.800 ha. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thị trường tiêu thụ biến động, nhưng ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn triển khai các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung, không để hoạt động sản xuất rau bị đứt gãy hoặc bị đình trệ trong thời gian dịch Covid-19; không để xảy ra nguy cơ khan hiếm nguồn rau xanh sau khi dịch bệnh được khống chế, nhất là dịp cuối năm.../.
NT (Theo Hà Nội mới)