Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đã cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước trong huy động toàn dân tham gia. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.
Con số thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy tổng nguồn lực đã huy động được để phát triển “tam nông” của thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 lên đến gần 57.000 tỷ đồng. Đáng khích lệ khi trong số này, vốn đóng góp ngoài ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân đạt gần 4.900 tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn mới 2021 - 2025, công cuộc xây dựng nông thôn mới của Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh trên tinh thần “lấy dân làm gốc, do dân và vì dân”. Năm 2021, các tầng lớp nhân dân (bao gồm cả khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã…) tiếp tục chung sức, đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.
Nguồn lực quan trọng từ sức dân giúp cho đến nay Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 382/382 xã. 13/18 đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích nông thôn mới, qua đó tiến dần đến mục tiêu 100% đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.
Cùng với Hà Nội, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng được lan tỏa sâu rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Hàng triệu tỷ đồng đã được các địa phương huy động để thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người nông dân. Không quá lời khi nói rằng: Thành quả nông thôn mới ngày hôm nay có được là nhờ một phần quan trọng từ sức dân.
Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 587/QĐ-TTg ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025. Hơn cả việc ghi nhận, đây là sự khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của sức dân đối với mục tiêu nâng tầm diện mạo nông thôn.
Trong thời kỳ mới, việc khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Để cụ thể hóa được nội dung trên, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ sức dân, để Nhân dân có điều kiện được đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, các cấp, ban ngành, mỗi địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, để các thành phần kinh tế hiểu đầy đủ về ý nghĩa, vai trò chủ thể; có các giải pháp nhằm tăng cường, củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết, sự đồng thuận của mỗi người dân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
NT (Theo Báo KTĐT)