Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan khảo sát thực tế tình hình chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn tại Hà Nội

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo cục chăn nuôi, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã đi khảo sát thực tế tình hình chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn tại Hà Nội.



Qua kiểm tra thực thế cho thấy, giá thịt lợn hơi tăng dần từng ngày và dự kiến tiếp tục sẽ tăng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các hộ tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tháng cuối năm. Hiện các trang trại trên địa bàn thành phố đang bán thịt lợn hơi với giá khoảng 45.000 - 49.000 đồng/kg và dự đoán giá sẽ tăng dần lên và có thể lên tới 70.000- 80.000 đồng/kg vào dịp cuối năm. Theo các chủ trang trại, việc tái đàn lúc này người chăn nuôi không quá lo lắng vì theo quy luật thị trường, khi các hoạt động được nới lỏng, nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn ắt giá lợn sẽ tăng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng toàn TP ước tính 168.000 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 3 tháng cuối năm 2021 là 62.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi Hà Nội chịu tác động mạnh. Giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, con giống biến động tuỳ từng thời điểm, không ổn định. Trong những ngày qua giá thịt lợn hơi có sự chênh lệch lớn từ 35.000 (tuần trước) lên đến 49.000 đồng/kg (giữa tuần vừa qua).

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan, giải pháp hiện nay để bình ổn giá thịt lợn là cần thiết nhưng cần xem xét kỹ để có giải pháp tác động vào yếu tố cốt lõi, đó chính là thị trường. Theo đó, cần kích hoạt các bếp ăn tập thể, nhà hàng, hoạt động du lịch. Các địa phương trên cả nước thống nhất về biện pháp bảo đảm giao thông đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận lợi trong điều kiện bình thường mới. Cũng theo Bộ trưởng: Dịch Covid-19 và giãn cách xã hội vừa qua cũng cho thấy chúng ta phải nhìn nhận lại ngành chăn nuôi, một cách tổng thể, nắm bắt rõ từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ đến chăn nuôi có tổ chức, tập trung để từ đó xây dựng, hoạch định chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn. Sắp tới, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ đẩy mạnh chính sách về tăng cường liên kết chuỗi chăn nuôi nhằm chia sẻ rủi ro cho người nông dân. Đây là yếu tố quan trong để tạo nên hệ sinh thái chăn nuôi bền vững, giải quyết bài toán rủi ro về dịch bệnh và rủi ro về thị trường./.

                                                Lưu Phượng