Theo Cục Chăn nuôi, sau thời gian thực hiện Quyết định số 50/2014 của Thủ tướng chính phủ, chính sách đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi cũng như giúp tăng thu nhập của các hộ chăn nuôi 5-10%. Tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng, nguồn kinh phí tuy không lớn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt giúp ổn định sinh kế cho người dân; cải tạo và nâng cao năng suất đàn lợn, trâu, bò bằng việc hỗ trợ miễn phí tinh bò đực giống chất lượng cao, hỗ trợ tinh lợn chất lượng cao nhằm cải tạo đàn giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn thương phẩm cung cấp cho thị trường. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2020 tổng số liều tinh lợn được hỗ trợ là 5,062 triệu liều, phối giống cho 1,84 triệu lợn nái; số liều tinh trâu, bò được hỗ trợ là 2,714 triệu liều, phối giống cho 1,913 triệu lượt con trâu, bò; số trâu, bò đực giống được hỗ trợ là 1.948 con với kinh phí hỗ trợ là 20,5 tỷ đồng, lợn đực giống được hỗ trợ là 528 con, kinh phí hỗ trợ là 1,9 tỷ đồng và 146.000 gà, vịt giống bố mẹ được hỗ trợ với kinh phí 3,376 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi đã góp phần rất lớn về giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đang là bức xúc hiện nay đồng thời nâng cao sức khỏe người dân thông qua việc giảm mùi hôi, ô nhiễm không khí… Ngoài ra, các sản phẩm của các công trình xử lý chất thải chăn nuôi còn cung cấp thêm nguồn chất đốt, phân bón cho cây trồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50 vẫn tồn tại một số hạn chế, điển hình như: một số địa phương chưa chủ động được ngân sách địa phương; đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua con giống là các nông hộ ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập thấp nên chưa chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi; thủ tục, hồ sơ hỗ trợ còn phức tạp, không thuận lợi khi áp dụng triển khai…
Từ hiệu quả mang lại của chính sách và thực tế sản xuất hiện nay, nhiều đại biểu ở các địa phương cho rằng, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Theo đó, chính sách cần cụ thể và có tính khả thi cao để khắc phục những khó khăn, tồn tại. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, chăn nuôi nông hộ tới đây phải hướng tới hình thành các hợp tác xã, chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra chuỗi khép kín. Cùng với đó, cần kết hợp chính sách tạo điều kiện về đất đai cho các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và công nghệ cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Hiện lượng sản phẩm thịt, sữa, trứng của các doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 47-48%, còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, chăn nuôi hộ gia đình và đây vẫn là sinh kế của các hộ dân. Để nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thiểu tổn thương đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia hội nhập toàn diện với các nước trong khu vực và thế giới, góp phần triển khai Luật Chăn nuôi, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, rất cần chính sách của nhà nước tạo nguồn lực hỗ trợ chăn nuôi giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 10/6/2020, thì song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn, vẫn cần quan tâm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống gắn với phát triển chăn nuôi đặc sản, du lịch sinh thái. Những đề xuất của các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sẽ được Bộ NN&PTNT tiếp thu, tổng hợp để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách mới về chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi nông hộ theo hướng bền vững và hiệu quả./.
Huy Hoàng