Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2020

Để góp phần đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trong mùa mưa bão, những ngày lễ và các tháng cuối năm 2020, ngày 06/7/2020 UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 138/KH – UBND về Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2020.



Theo đó, Kế hoạch giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương tuyên truyền, thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thiết yếu trên địa bàn Thành phố về nhu cầu tiêu dùng và tình hình cung, cầu, các mặt hàng tiêu dùng.

Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững nhằm chủ động tạo nguồn hàng, phục vụ tiêu dùng của thành phố. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triền sản xuất nông nghiệp bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, đồng thời rà soát đề xuất những chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển nông nghiệp mới phù hợp với tình hình thực tế.

Phối hợp các ngành, địa phương phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm…Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng nông sản tham gia Chương trình trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh sự phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố kết nối các ngân hàng – doanh nghiệp – cơ sở trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn Thành phố tham gia Chương trình, vận động tối thiểu 20 cơ sở thuộc chuỗi cung cấp rau thịt an toàn tham gia Chương trình để hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định phục vụ công tác cân đối cung – cầu, đồng thời thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.

Kế hoạch đưa ra nội dung trọng tâm thực hiện tập trung vào các nhóm hàng hóa trong Chương trình bình ổn năm 2020 gồm các nhóm hàng thiết yếu: lương thực (gạo, mì, phở khô…) thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mì chính…), sữa; các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.

Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn phải bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, bao gói nhãn mác và các thông tin liên quan theo đúng quy định), bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.

Yêu cầu của chương trình là phải đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố. Phát triển mạng lưới điểm bán hàng cố định tại các chợ dân sinh, khu dân cư, trường học, bệnh viện…theo mô hình như hợp tác liên kết, bán đại lý, cửa hàng tiện lợi, các điểm bán hàng an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã; đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác đưa các mặt hàng thuộc chương trình tới các bếp ăn tập thể của các trường học, cơ quan, khu công nghiệp với giá bán và nhận diện thống nhất trong hệ thống của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới cơ sở thương mại khu vực nông thôn.

Các cơ sở chủ động xây dựng các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng thuộc Chương trình để phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp. Đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại (siêu thị, cửa hàng) tại địa bàn nông thôn. Khuyến khích các cơ sở cùng tham gia Chương trình hợp tác, liên kết với nhau nhằm tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, bình ổn giá bán và mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký.

Kế hoạch xác định rõ đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật trên toàn lãnh thổ Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia, chấp hành các quy định Chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan; Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan. Khi tham gia Chương trình các đối tượng được hỗ trợ thông tin tuyên truyền, quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình tuyên truyền của Thành phố. Được kết nối để vay vốn từ gói lãi xuất ưu đãi nhằm thực hiện đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển điểm bán và tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng ra thị trường đầy đủ, xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình…

Kế hoạch cũng đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng Chương trình thông qua các giải pháp tăng cường phối hợp với Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ cung cấp, dự báo thông tin tình hình thị trường, giá cả nông sản hàng tháng, theo mùa vụ, nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để làm cơ sở giúp các nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh nghiên cứu. Tăng cường công tác liên kết vùng giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân. Hỗ trợ cấp phép xe cho doanh nghiệp tham gia Chương trình chở hàng hóa thiết yếu hoạt động 24/24h trên địa bàn Thành phố để đảm bảo hàng hóa được luân chuyển liên tục, kịp thời phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn Thành phố. Xây dựng đường dây nóng tiếp nhận, phản hồi các thông tin phản ánh từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, thông tin biến động về hàng hóa, giá cả thị trường./.

Đặng Diện (tổng hợp)