Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Biện pháp phòng bệnh đàn gia súc, gia cầm thời điểm chuyển giao mùa



Hiện nay, thời tiết diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhất là ở khu vực Miền Bắc. Thời tiết thay đổi liên lục, ban ngày trời nắng, đêm lại trở rét cộng với mưa phùn, gió rét, giông, lốc, không khí ẩm thấp. Thời gian tới chắc chắn còn khắc nghiệt hơn do chuyển giao mùa, nắng nóng, nhiệt độ tiếp tục biến đổi bất thường. Với thời tiết khí hậu như vậy sẽ làm con vật không kịp thích nghi nên dễ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, những ngày này hay có mưa phùn nên ẩm độ cao, môi trường chăn nuôi ô nhiễm là điều kiện rất tốt để các loại mầm bệnh (nấm mốc, vi khuẩn, vi rút ...) phát sinh, phát triển mạnh, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Hơn nữa dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lực lượng thú y cơ sở mỏng, các hoạt động chuyên môn (tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, giám sát dịch ..) tiến độ còn chậm. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật lớn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương.

Giai đoạn chuyển mùa đối với trâu, bò thường mắc  một số bệnh như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé non, bệnh lở mồm long móng, bệnh cảm nóng, cảm lạnh, viêm da nổi cục. Với đàn bò sữa có thể mắc thêm các bệnh về sinh sản như viêm vú, viêm tử cung âm đạo... Trên đàn lợn có thể mắc một số bệnh như bệnh dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, phó thương hàn. Ở lợn con theo mẹ  hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli ... Với gia cầm thường gặp nhất là cúm gia cầm (Chủng A/H5N1, A/H5N6 và gần đây là chủng Cúm A/H5N8 ...) và một số bệnh như Gumboro, Newcastle, hội chứng tiêu chảy. Ở thời điểm chuyển giao mùa, cơ thể con vật thường mệt mỏi, khó chịu, giảm ăn, giảm uống, tốc độ sinh trưởng, phát triển chậm nên năng suất thấp nhất là ở bò sữa sản lượng sữa giảm. Nguy hại hơn nếu không có biện pháp can thiệp và ứng phó thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.

Để chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm thời điểm này người chăn nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:

Thường xuyên nắm bắt thông tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó kịp khi thời tiết thay đổi, nhất là những ngày có mưa, giông lốc. Chú ý ngay việc che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió mùa đông bắc. Khi mưa phùn ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non bằng cách thay độn chuồng mới, với bê nghé non cho đi chăn thả muộn, về sớm. Thực hiện tốt vệ sinh cơ giới, không để nước đọng, nước tù ở hệ thống cống rãnh. Đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng. Trước khi phun thuốc sát trùng cần làm tốt khâu vệ sinh cơ giới để đảm bảo hiệu quả cao trong tiêu diệt và ngăn chặn mầm bệnh. Một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn (như Vikol, Halamit, Biocid, Haniodil ...). Kết hợp với việc phun một số loại thuốc diệt côn trùng (như Hantox để diệt ruồi, muỗi, ve mòng ...) trong chuồng nuôi. Việc phun phòng tốt nhất là phun định kỳ, diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và  khu vực xung quanh chuồng nuôi. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Kinh nghiệm cho thấy việc dùng nước vôi trong để rửa, ngâm nền chuồng (sau xuất bán gia súc, gia cầm) đồng thời rắc vôi bột ở các khu vực cổng vào chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh là rất tốt vừa diệt mầm bệnh vừa hạn chế côn trùng, vật chủ trung gian mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Đồng thời sử dụng các chế phẩm khử mùi hôi trong chuồng hạn chế sự phát sinh, phát triển của mầm bệnh nhất là các loại côn trùng, vật chủ trung gian truyền bệnh. 

Đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật, cần cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn tươi, mới tránh nấm mốc. Những ngày này do ẩm độ cao, có mưa nên thức ăn rất dễ hỏng, mất mùi, biến chất. Với trâu, bò, nhất là bò sữa cần cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh, tăng hàm lượng thức ăn tinh. Chú ý ủ thức ăn xanh hoặc ủ rơm với ure để dự trữ thức ăn mùa đông cho bò. Mặt khác, khi trâu, bò ăn thức ăn ủ chua còn có tác dụng kích thích cho con vật ăn ngon miệng. Bổ sung thêm các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho con vật ăn trực tiếp. Đảm bảo đủ nước uống cho con vật, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cần cho uống nước sạch. Khi nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho con vật uống nước ấm.

Yếu tố bắt buộc và tiên quyết là thực hiện nghiêm việc tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch chủ động cho con vật. Càng trong điều kiện khắc nghiệt về thời tiết càng phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời đúng chủng loại. Đối với trâu, bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, ở một số vùng tiêm bổ sung vắc xin nhiệt thán. Với trâu, bò mới nhập đàn trong thời điểm này ngoài việc tiêm phòng các vắc xin thông thường cần tiêm phòng thuốc phòng ký sinh trùng đường máu (tiên mao trùng, biên trùng). Đàn lợn đảm bảo tiêm phòng các loại vắc xin như lở mồm long móng, tai xanh, xuyễn, dịch tả, tụ huyết trùng lợn, lợn con tiêm vắc xin Ecoli. Đàn gia cầm đảm bảo tiêm đầy đủ vắc xin như cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro. Đồng thời thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để phòng các bệnh hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh (dịch tả lợn châu Phi). Lưu ý việc sử dụng vắc xin đúng kỹ thuật chủng loại để nâng cao hiệu quả kháng thể cho cơ thể con vật trong bối cảnh thời tiết bất lợi.

Hàng ngày luôn quan sát, theo dõi, thăm khám cho con vật, khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm ..) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ấm cho con vật. Nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực. Với gia súc, gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh, ngoại tỉnh để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tăng cường thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, nhất là ở các chợ kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Tại thời điểm giá động vật có nhiều biến động, khi nhập đàn hoặc tái đàn cần chủ ý nghiên cứu thị trường tiêu thụ, mặt bằng giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi để nhập đàn với số lượng phù hợp tránh rủi ro. Nhập ở nơi có uy tín, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, điều kiện chăn nuôi đồng thời thực hiện tốt việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn dịch bệnh chăn nuôi có hiệu quả, bền vững.

Các biện pháp phòng bệnh trên được người chăn nuôi chủ động thực hiện tốt sẽ đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm trong giai đoạn chuyển giao mùa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển./.

Nguyễn Ngọc Sơn